Thị trường thế giới: Sức mua yếu cộng với triển vọng nguồn cung tăng lên đã kéo giá gạo xuất khẩu giảm xuống ở Ấn Độ và Thái Lan trong tuần qua, trong khi giá gạo Việt Nam vẫn ở mức thấp 1 năm do nhu cầu tiêu thụ giảm sút.

Giá cà phê thế giới tiếp tục tăng do lo ngại về tình trạng thời tiết khô hạn tại các vùng trồng cà phê chủ chốt. Giá đường tăng mạnh do Platts Kingsman tăng dự báo mức thiếu hụt đường toàn cầu trong niên vụ 2016/17. Giá chè Bangladesh tiếp tục tăng nhẹ nhờ nhu cầu mạnh đối với chè chất lượng trong bối cảnh nguồn cung thắt chặt.

Tại thị trường Chicago, Mỹ, giá lợn hơi giao kỳ hạn tháng 10/2016 đã giảm mạnh so với tuần trước do nguồn cung lợn hơi và gia súc đang rất dồi dào, bên cạnh đó, dự trữ thịt bò, thịt lợn và gia cầm đang ở mức lớn. Giá tôm Ấn Độ đang tăng khoảng 15-20% so với mùa trước trong bối cảnh sản lượng thiếu hụt ở các nước khác.

Giá Ure thế giới có xu hướng giảm do các khách hàng lớn như Ấn Độ đã có đủ nguồn cung cần thiết cho mùa đông. Trong khi đó, nguồn cung thắt chặt tại Mỹ và một số nhà sản xuất Canada cắt giảm sản lượng đã khiến giá Kali trên sàn giao dịch tăng.

Thị trường trong nước: Thị trường lúa gạo trong nước tuần qua vẫn diễn biến trầm lắng, nhu cầu tiêu thụ yếu khiến giá lúa biến động từ ổn định đến giảm nhẹ. Giá gà công nghiệp lông trắng giảm nhẹ do nguồn cung chăn nuôi trong nước và nguồn thịt nhập khẩu dồi dào. Hiện tượng mưa lớn tại Cần Thơ và Hậu Giang trong tuần qua đã khiến các doanh nghiệp ngại về việc cá có thể bị nhiễm bệnh nên đã giảm sức mua kéo giá giảm theo. Thị trường phân bón trong nước nhìn chung ở mức ổn định, lượng hàng tiêu thụ khá thấp, giá các mặt hàng phân bón ít biến động.

Thông tin chi tiết, bạn đọc xem trong bản tin Thị trường Nông nghiệp tuần 39/2016

BBT (gt)