Thị trường thế giới: Thị trường gạo châu Á diễn biến trầm lắng trong tuần qua, mặc dù giá gạo Thái Lan đang đứng ở mức cao 20 tháng do nguồn cung nội địa hạn chế, trong khi giá gạo Việt Nam không thu hút được nhu cầu mua mới.

Thị trường cao su kỳ hạn Tocom (Nhật Bản) diễn biến giảm trong tuần qua do chịu tác động giảm giá trên thị trường cao su kỳ hạn Thượng Hải, trong khi đồng Yên tăng lại bổ sung thêm áp lực.

Giá cà phê thế giới tăng do những cơn mưa tại các vùng sản xuất cà phê chủ chốt của Brazil đã làm dấy lên mối lo ngại về nguy cơ giảm chất lượng và năng suất cà phê niên vụ 2016-2017.

Giá lợn hơi thị trường Chicago, Mỹ tăng nhờ giá bán buôn thịt lợn và giá gia súc giao kỳ hạn đang tăng cao. Các thương nhân đã tiến hành mua bổ sung thêm thịt lợn để phục vụ nhu cầu tiêu thụ vào ngày Lễ của Cha và để phòng thiếu hụt nguồn cung do thời tiết mùa hè sẽ làm giảm sản lượng lợn hơi.

Giá đường tăng do vụ thu hoạch và tiến độ nghiền mía tại Brazil tháng này dự báo sẽ bị ảnh hưởng do mưa. Bên cạnh đó, thời tiết khô hạn tại nhiều quốc gia sản xuất mía đường trên thế giới cũng tiếp tục hỗ trợ giá đường.

Giá chè tại Bangladesh tăng phiên thứ năm liên tiếp do nhu cầu mạnh đối vói chè lá chất lượng. Giá cá rô phi tại Trung Quốc tăng do sự thiếu hụt nguồn cung.

Tại Ấn Độ, mưa kéo dài ở các vùng trồng tiêu chính và độ ẩm tiêu cao tiếp tục khiến thị trường đình trệ và giá sụt giảm trong tuần này.

Thị trường trong nước: Tại các tỉnh ĐBSCL, giá lúa tiếp tục xu hướng đi xuống trong hai tuần liên tiếp do mưa khiến lúa thu hoạch có độ ẩm cao, chất lượng gạo xấu.

Thị trường cá tra nguyên liệu vẫn khá trầm lắng, giá chào bán cá tra nguyên liệu của một số hộ nuôi giảm do một số nhà máy đã giảm công suất hoặc tạm ngừng sản xuất do chưa có đơn hàng xuất khẩu mới và tồn kho tăng.

Giá thu mua hạt điều khô tại Bình Phước tăng nhờ nhu cầu thu mua phục vụ chế biến tăng.

Thông tin chi tiết, bạn đọc xem trong bản tin Thị trường Nông nghiệp tuần 23/2016

BBT (gt)