Tỷ giá đồng bảng là một nhân tố không nhỏ góp phần thúc đẩy xuất khẩu lúa mì của Anh. Việc đồng bảng rớt giá mạnh liên quan đến quyết định Brexit đã góp phần làm gia tăng khả năng cạnh tranh của lúa mì Anh trên thị trường quốc tế. Điều này được thể hiện qua việc nước Anh nhận được rất nhiều hợp đồng mua lúa mì ngay sau cuộc trưng cầu ý dân ngày 23/6 vừa qua. Anh hiện là nước xuất khẩu lúa mì lớn thứ 14 thế giới. Tuy chưa thể sánh được với các nước sản xuất lúa mì quốc tế lớn như Mỹ, Canada (Ca-na-đa), Australia (Ôx-trây-li-a) hay Nga và Ukraine (U-crai-na), song Anh là nước sản xuất lúa mì quan trọng sang các nước châu Âu như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và khu vực Bắc Phi. 

Theo số liệu hải quan, do tác động của nhiều nhân tố, xuất khẩu lúa mì của Anh hiện tăng lên mức cao trong nhiều năm qua. Trong 11 tháng từ tháng 7/2015 đến tháng 5/2016, xuất khẩu lúa mì đạt 2,57 triệu tấn - mức cao nhất kể từ niên vụ 2008-09. Xuất khẩu lúa mạch trong cùng thời gian này cũng chạm mức cao kỷ lục kể từ năm 1996-97 là 1,89 triệu tấn. 

Giới chuyên gia nêu lên ba nhân tố hiện hỗ trợ xuất khẩu lúa mì của Anh, bao gồm sự rớt giá của đồng bảng so với đồng USD (ước giảm trên 10% trong khoảng 6 tháng đầu năm) do những bất ổn liên quan đến Brexit, cước phí vận chuyển thấp và giá lúa mì tương đối rẻ so với giá ngô. 

Sức cạnh tranh của lúa mì Anh được nâng lên, nhờ giá ngô tăng tương đối mạnh trên thị trường quốc tế do hạn hán ở Brazil (Bra-xin) và ngập lụt ở Argentina (Ác-hen-ti-na). Sự chênh lệch về giá này khiến cho nhiều khách hàng chuyển sang mua lúa mì của Anh loại làm thức ăn gia súc thay cho ngô. Tháng Năm vừa qua, Anh đã xuất khoảng 63.000 tấn lúa mì làm thức ăn gia súc sang Mỹ. Đầu tháng này, chi nhánh tại Anh của của công ty giao dịch hàng hóa đa quốc gia Glencore cũng xuất sang Việt Nam 70.000 tấn lúa mì. 

Theo TTXVN