Phát biểu tại cuộc họp của Ban công tác về chiến lược lúa gạo tháng 8/2020, Bộ trưởng Thương mại Jurin Laksanawisit cho biết: Hàng năm Thái Lan chỉ phân bổ 200 triệu baht cho hoạt động nghiên cứu và phát triển giống lúa. Thời gian tới cần đầu tư nhiều hơn cho hoạt động này để nâng năng suất lúa lên 600kg /rai.

Theo Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, niên vụ 2020/2021 sản lượng gạo của thế giới ước tính đạt 500 triệu tấn gạo, năng suất bình quân đạt 736kg /rai so với niên vụ 2018/2019 sản lượng gạo đạt 497 triệu tấn; với năng suất bình quân là 730kg/rai.

Thái Lan dự kiến vụ mùa 2020/2021 sản xuất lúa gạo trong nước đạt 20 triệu tấn gạo với năng suất trung bình đạt 450 kg/rai. Năng suất lúa của Thái Lan thấp hơn nhiều so với các nước sản xuất lúa khác như Việt Nam (934 kg/rai), Indonesia (765 kg/ rai), Ấn Độ (643 kg/rai), Trung Quốc (1.128 kg/rai) và Mỹ (1.363 kg/rai). Năng suất lúa của Thái Lan thậm chí còn thấp hơn các nước láng giềng như: Myanmar (461 kg/rai), Lào (518 kg/rai), Campuchia (462 kg/rai) và Malaysia (642 kg/rai).

Bộ Thương mại Thái Lan muốn hợp tác với Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã để tư vấn cho nông dân sản xuất lúa phù hợp với nhu cầu thị trường và tạo mối liên kết với những người mua tiềm năng để đảm bảo ổn định giá.

Kế hoạch chiến lược lúa gạo của Thái Lan từ năm 2020 đến năm 2024 tập trung vào 7 loại gạo: gạo Hom Mali; gạo thơm; gạo trắng mềm; gạo trắng cứng; gạo đồ; gạo nếp; và gạo đặc sản. Thị trường gạo được chia thành ba loại: gạo Hom Mali và gạo thơm dành cho thị trường cao cấp; gạo trắng mềm, gạo trắng cứng và gạo đồ dùng cho thị trường phổ thông; gạo nếp, gạo đặc sản dành cho một số thị trường riêng biệt.

Nông dân Thái Lan cấy lúa

 

Ông Charoen Laothammatas, Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan cho biết chính phủ cần đầu tư nhiều hơn vào phát triển hệ thống thủy lợi và quản lý sau thu hoạch. Việc sản xuất và canh tác lúa hàng năm cần được quản lý một cách thận trọng để ngăn chặn tình trạng dư thừa. Trong kế hoạch chiến lược cần đưa ra các giải pháp nâng cao hiệu quả logistics để giảm chi phí xuất khẩu và tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Ông nhấn mạnh thêm: “Liệu Thái Lan có trở thành nước xuất khẩu hàng đầu toàn cầu hay không không quan trọng. Điều quan trọng là làm thế nào để thúc đẩy nhu cầu đối với gạo Thái Lan trên thị trường thế giới và duy trì sự ổn định giá cả trong nước".

Quỳnh Anh

Theo Bangkok post