Anh Hà cho biết, theo thống kê của Chi cục thủy sản tỉnh hiện khu vực phường 12 có tất cả là 112 cơ sở sản xuất giống. Các cơ sở sản xuất đều được xây dựng từ những năm 2000 và có tu bổ lại hàng năm. Trong số này có 12 cơ sở chuyển sang sản xuất giống cá chẽm, 5 cơ sở sản xuất hàu, còn lại là sản xuất truyền thống giống tôm sú và tôm thẻ chân trắng. Theo anh Hà, trong năm 2017 việc sản xuất giống tại đây gặp nhiều khó khăn so với những năm trước cả về khâu sản xuất cũng như khâu tiêu thụ.

Cơ sở của anh Hà chuyên sản xuất hàu giống. Việc sản xuất và tiêu thụ hàu giống do anh hoàn toàn chủ động đầu vào và đầu ra. Những năm trước, lượng hàu giống sản xuất ra đến đâu bán hết đến đó. Mỗi năm cơ sở của anh cung cấp ra thị trường từ 500.000 - 700.000 giá thể (vật bám). Mỗi giá thể có từ 30-50 cá thể hàu giống bám. Giá bán trung bình từ 1.800 - 2.000 đồng/vật bám. Nguồn bố mẹ cho sinh sản hoàn toàn chủ động quanh năm. Việc cho sinh sản và ương nuôi hàu giống tuy chi phí trực tiếp cho mỗi đợt sản xuất không cao do thức ăn của hàu chủ yếu là tảo sinh khối kích thước nhỏ, nguồn bố mẹ tại chỗ và kết hợp thêm nguồn bố mẹ ở Quảng Ninh, Nha Trang để tránh hiện tượng lai cận huyết. Tuy nhiên trong năm 2017, có những đợt nuôi gặp môi trường nước xấu, tỷ lệ hàu giống bám vào giá thể rất ít và có đợt không có ấu trùng bám mặc dù so với đặc điểm sinh trưởng thì đã quá thời gian nên đành phải xả bỏ làm vệ sinh để tiếp tục thả nuôi đợt mới. Vì thế, cơ sở nuôi coi như thiệt hại hoàn toàn.

Cũng theo anh Hà cho biết, các cơ sở sản xuất giống cá chẽm mỗi năm cung cấp cho thị trường trung bình khoảng 20 triệu cá giống cỡ 3cm. Giá bán khoảng 1.000 đồng/con cá giống cỡ 3cm nhưng thị trường tiêu thụ cũng không ổn định. Cá giống xuất chủ yếu cho một số địa phương như Nhơn Trạch (Đồng Nai), Cần Giờ (Tp HCM), Long An, Hải Phòng, Nam Định… Chi phí sản xuất đối tượng cá chẽm khá cao do nguồn trứng cá phải đặt hàng tại các cơ sở có nguồn cá bố mẹ, trung bình 5 triệu đồng/1 triệu trứng. Nguồn thức ăn chủ yếu sử dụng trong suốt chu kỳ nuôi là trứng artemia ấp nở. Giá mỗi kilogram loại trứng này trung bình khoảng 3 triệu đồng/kg. Kinh phí để sản xuất 1 triệu cá giống cỡ 3-5cm phải đầu tư từ 500 - 600 triệu, đây cũng là nguồn vốn khá lớn đối với các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ. Thời gian từ lúc trứng cá nở đến giai đoạn cá 3 cm kéo dài trên 2 tháng, độ rủi ro cao nên chỉ có một số cơ sở có khả năng về kinh tế mới dám đầu tư.

Chia tay anh Hà chúng tôi ghé đến cơ sở của anh Lê Văn Quyền, một trong những ‘lão ngư” về sản xuất tôm giống tại đây. Anh Quyền than thở: “Một năm cả khu vực ở đây cung cấp ra thị trường từ 1,5-2 tỷ con tôm giống. Tuy nhiên việc tiêu thụ tôm giống quá bấp bênh. Con giống mình sản xuất ra nhưng giá cả thì do thương lái quyết định, thậm chí có thời kỳ tôm nhũng (ế) phải bán chịu để nuôi hy vọng vớt vát lại chút đỉnh, có ít vốn đầu tư tiếp cho đợt sau”.

Việc sản xuất tôm giống ở đây hoàn toàn bị động cả đầu vào và đầu ra. Nếu sản xuất giống tôm thẻ chân trắng, ấu trùng đưa vào nuôi phải đặt hàng các công ty có đăng ký nhập nguồn bố mẹ, đợi ‘lên lịch” bố trí. Với tôm sú các trại có thể chủ động nguồn ấu trùng thông qua việc mua nguồn tôm bố mẹ từ Rạch Gốc tỉnh Cà Mau hoặc từ các tỉnh miền Trung về nuôi thành thục sinh sản. Tuy không đầu tư nhiều như cá chẽm, ngoài thức ăn tổng hợp, tảo sinh khối, lượng thức ăn artemia cũng phải cung cấp đủ cho ấu trùng tôm phát triển. Giá tôm chợ (tôm không xét nghiệm) trung bình từ 7-15 đồng/con P15 (Postlarvae 15) tùy thời điểm, với tôm xét nghiệm khoảng 25-30 đồng/con, tùy khách hàng.

“Với mức giá này nếu may mắn lắm về đầu ra, các cơ sở thả nuôi 10 bể về đích đến P15, thì sau khi trừ chi phí mỗi đợt thu về từ 7-10 triệu đồng đủ tiền sinh hoạt qua ngày”, anh Quyền cho biết thêm.

Theo chị Loan, một chủ cửa hàng bán thức ăn lâu năm nằm trên đường Chi Lăng, ngày nay việc sản xuất tôm, cá giống mặc dầu người dân ở đây có trình độ kỹ thuật kinh nghiệm tay nghề cao hơn hẳn, tuy nhiên tỷ suất lợi nhuận thấp hơn nhiều so với những năm đầu khi bước vào nghề.

“Ngày xưa làm thua 3 đợt chỉ cần thắng 1 đợt là hạch toán vẫn còn lời, còn bây giờ sản xuất chỉ kiếm tiền cơm mỗi ngày, nếu không may thất bại một đợt thì sản xuất ba đợt thành công liên tiếp may ra cầm hoà”, chị Loan tâm sự.

Trọng Hoàng  

Trung tâm Khuyến nông Bà Rịa Vũng Tàu