Giá tiêu giảm sâu

Đến đầu tháng 6-2017, nông dân trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã hoàn tất việc thu hoạch tiêu niên vụ 2016-2017. Niên vụ này, các vườn tiêu trong tỉnh đối mặt với nhiều bất lợi như: thời tiết diễn biến bất thường, dịch bệnh chết nhanh chết chậm trên tiêu phát triển mạnh, chi phí đầu tư tăng cao… Tuy nhiên, bằng kinh nghiệm canh tác nhiều năm và sự hỗ trợ của ngành chức năng trong việc hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt nên vụ tiêu này, hầu hết các vườn tiêu đều được mùa, với tổng sản lượng ước đạt 17 ngàn tấn, tăng 600 tấn so với niên vụ trước. Mặc dù được mùa nhưng người trồng tiêu của tỉnh đang đứng ngồi không yên vì giá mặt hàng này liên tục “lao dốc” trong thời gian gần đây, hiện chỉ còn 80-84 ngàn đồng/kg, giảm khoảng 100 ngàn đồng/kg so với năm 2016.

Với tổng diện tích gần 2,5ha, năm nay, vườn tiêu của gia đình ông Nguyễn Văn Tiều (xã Quảng Thành, huyện Châu Đức) cho sản lượng 6,5 tấn. Mặc dù việc thu hoạch đã hoàn tất vào vào đầu tháng 4, nhưng thời điểm đó giá tiêu chỉ ở mức trên dưới 100 ngàn đồng/kg nên ông Tiều quyết định đưa toàn bộ hàng vào kho tích trữ chờ giá lên. “Thế nhưng, khác với mọi năm, giá tiêu năm nay lại liên tục giảm khiến tôi trở tay không kịp. Trong khi đó, hiện nay, tiền phân bón, thuốc trừ sâu, lãi vay ngân hàng đã đến kỳ phải trả nên tôi chưa biết tính toán sao. Nếu bán hết số tiêu trong kho để có tiền trả nợ, tôi mất khoảng 150 triệu đồng so với giá bán cách đây 2 tháng; còn nếu giữ lại, không biết giá tiêu có tăng lên hay lại giảm tiếp?”, ông Tiều trăn trở.

Tương tự, niên vụ 2016-2017, với 4ha trồng tiêu, bà Nguyễn Thị Tình (xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc) thu hoạch được hơn 15 tấn sản phẩm và quyết định trữ lại chờ giá lên mới bán. Trái ngược với kỳ vọng của bà Tình, giá tiêu trong thời gian gần đây đã liên tục “lao dốc”. Bà Tình lo lắng: “Chi phí phân bón, thuốc BVTV, nhân công cho vụ tiêu năm nay đều tăng gần gấp đôi so với năm ngoái. Năm nay, tôi tốn gần 500 triệu đồng chi phí sản xuất. Với mức giá thấp như hiện nay, người trồng tiêu gần như không có lãi. Nếu tiếp tục trữ thì sẽ tốn thêm chi phí bảo quản, trong khi không biết giá có lên hay không. Đây là bài toán khó của người trồng tiêu hiện nay”.

Với những người mới chuyển sang trồng tiêu, việc giá tiêu xuống thấp khiến họ gặp nhiều khó khăn. Cách đây vài năm, khi cao su rớt giá, thấy nhiều hộ trồng tiêu trong vùng canh tác hiệu quả, năm 2014, gia đình chị Lê Thị Kim Chi (xã Xuyên Mộc, huyện Xuyên Mộc) quyết định phá bỏ 1ha cao su để chuyển sang trồng tiêu. Năm nay, vườn tiêu nhà chị Chi cho thu hoạch đợt đầu tiên với sản lượng 500kg. Với giá tiêu hiện nay, chị Chi chỉ thu được hơn 40 triệu đồng. Trong khi đó, để có tiền đầu tư vườn tiêu, chị Chi phải thế chấp giấy tờ nhà vay ngân hàng hơn 200 triệu đồng. “Dù không muốn bán tiêu với giá 82 ngàn đồng/kg, nhưng do cần tiền để trả bớt nợ vay ngân hàng nên tôi đành phải bán”, chị Chi chia sẻ.

Cần tổ chức lại ngành trồng tiêu theo hướng bền vững

Ông Lương Văn Thăng, Phó Chủ tịch Hội Hồ tiêu tỉnh cho biết, tính đến cuối năm 2016, tổng diện tích hồ tiêu trên địa bàn tỉnh đã đạt hơn 12 ngàn ha. Và trên thực tế, diện tích này vẫn chưa dừng lại khi người dân trong tỉnh vẫn đang ồ ạt phát triển diện tích trồng tiêu. Tương tự BR-VT, tại các địa phương khác, diện tích trồng tiêu cũng liên tục tăng. Trong khi đó, từ đầu năm 2017 đến nay, việc xuất khẩu tiêu sang châu Âu, Mỹ, Nhật Bản bị chững lại, dẫn đến cung vượt cầu và giá hồ tiêu “lao dốc” là điều khó tránh khỏi.

Theo KS nông nghiệp Nguyễn Thanh Sơn, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, 90% sản lượng hồ tiêu Việt Nam phục vụ xuất khẩu. Gần đây, trong khi các quốc gia nhập khẩu ngày càng yêu cầu cao về chất lượng, nhất là hàm lượng tồn dư thuốc BVTV, thì người trồng hồ tiêu Việt Nam vẫn chưa thay đổi phương pháp canh tác, dùng thuốc BVTV vô tội vạ, khiến chất lượng hồ tiêu ngày càng giảm, nhiều đơn hàng xuất khẩu bị trả về.

Chị Lê Thị Hải, chủ Doanh nghiệp thu mua nông sản Kim Ngân Minh (xã Quảng Thành, huyện Châu Đức) cho biết, do dư lượng thuốc BVTV trong hạt tiêu Việt Nam cao nên không đủ tiêu chuẩn vào một số thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ… Các thị trường này đang chuyển hướng sang nhập khẩu tiêu của Campuchia, Indonesia, khiến tiêu Việt Nam ứ đọng, dẫn đến giá giảm.

Từ thực tế trên, theo các chuyên gia kinh tế, cơ quan chức năng cần tổ chức lại ngành trồng tiêu theo hướng bền vững, sớm hình thành các nhóm hộ, tổ hợp tác hoặc hợp tác xã trồng tiêu kiểu mới… để thuận lợi hơn trong việc tiếp cận tiến bộ kỹ thuật, nguồn vốn tín dụng ưu đãi, vật tư đầu vào bảo đảm chất lượng, từ đó tăng năng suất, chất lượng hồ tiêu. Ngoài ra, ngành chức năng cần tiến hành rà soát, quy hoạch cụ thể từng vùng trồng hồ tiêu; đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đầu tư thâm canh, phát triển cây hồ tiêu bền vững; tăng cường liên kết giữa nông dân - DN trong việc tiêu thụ sản phẩm; khuyến cáo kịp thời bà con nông dân không lặp lại thói quen trước đây là chặt bỏ cây trồng khi mất giá, đổ xô trồng loại cây đang được giá…

Từ năm 2013 đến nay, Sở NN-PTNT phối hợp với Hội Hồ tiêu tỉnh và các DN như Công ty Olam Việt Nam, Công ty TNHH Gia vị Việt Nam, Công ty Harris Freeman triển khai dự án “Phát triển hồ tiêu bền vững” trên địa bàn 2 huyện Châu Đức và Xuyên Mộc, với tổng diện tích gần 700ha. Tham gia dự án, các hộ trồng tiêu được tiếp cận các mô hình canh tác tiêu sạch, bền vững và khi đáp ứng được các tiêu chí quy định sẽ được cấp các chứng nhận đạt chuẩn quốc tế như GlobalGAP, Rainforest Alliance (RA)… Khi đạt các chứng nhận này, việc xuất khẩu hồ tiêu sẽ rất thuận lợi.

Theo báo BRVT