Thời gian qua, tỉnh đã có nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy tiêu thụ nông sản cho người dân qua việc liên kết, ký kết hợp đồng với công ty cung ứng; thành lập tổ hợp tác và đẩy mạnh chương trình mỗi xã phường một sản phẩm; thành lập trung tâm phân phối, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm…

Khó khăn trong tiêu thụ

Là vùng trọng điểm của tỉnh, xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông có hơn 500 ha cam, quýt các loại, cho sản lượng khoảng 3.000 tấn quả mỗi năm. Người dân nơi đây chia sẻ, năm nào quýt sai quả thì năm đó giá thấp và ngược lại, nếu mất mùa thì giá cao. Nghịch lý này lặp lại nhiều năm nay và chưa có giải pháp.

Từ năm 2014, Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Kạn đã phối với Viện Nghiên cứu rau quả Trung ương xây dựng mô hình sản xuất cam, quýt bền vững theo hướng VietGAP. Các hộ dân tham gia xây dựng mô hình đã được cán bộ hướng dẫn chăm sóc cây cam quýt theo đúng quy trình kỹ thuật từ khâu làm cỏ, diệt trừ sâu bệnh đến thu hoạch. Cây sinh trưởng phát triển tốt, năng suất tăng từ 15 đến 20%, mẫu mã quả đẹp hơn. Vườn quýt thông thoáng, cây ít sâu bệnh hại, ra hoa đậu quả tỷ lệ cao.

Nông dân được hướng dẫn trồng cam, quýt bền vững theo hướng VietGAP (ảnh: Ma Thế Sơn)

Tuy nhiên, ở Quang Thuận vẫn ít gia đình thực hiện theo mô hình VietGAP. Ông Lưu Chấn Thụ - một trong những hộ trồng quýt lâu năm và là hộ đầu tiên áp dụng trồng theo tiêu chuẩn VietGAP ở xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông cho biết, gia đình ứng dụng từ năm 2014 nhưng hai năm sau phải bỏ vì mất nhiều công chăm sóc và thời gian. Trong khi đó, quýt bán ra không cao hơn so với quýt trồng thông thường, đầu ra cũng khó khăn.

Các hộ trồng cho rằng, khó khăn lớn nhất vẫn là khâu tiêu thụ. Có những năm, họ không thu hoạch mà để quýt chín rụng hàng loạt bởi giá chỉ khoảng 5-6 nghìn đồng/kg. Khi quýt chín đồng loạt và không bảo quản được lâu thì tư thương dễ dàng dựa vào đó để ép giá.

Ông Nông Quốc Dũng - Chủ tịch UBND huyện Bạch Thông cho biết, toàn huyện hiện có 1.164 ha quýt; trong đó khoảng 900 ha đang thu hoạch và 320 ha cam với 245 ha thu hoạch. Sản lượng quả cả cam và quýt ước đạt 9.000 tấn. Tiêu thụ và bảo quản vẫn là khâu khó khăn nhất. Huyện đã kết hợp với đơn vị chức năng đẩy mạnh quảng bá, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nhưng như kỳ vọng. Thời gian tới, huyện sẽ quy hoạch lại vùng trồng, nâng cao năng suất, chất lượng, hỗ trợ người dân trong khâu chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Không chỉ cam, quýt mà các nông sản khác của Bắc Kạn như bí xanh thơm, miến dong, chuối tây cũng chung khó khăn này, tron gkhi đó, diện tích trồng ngày càng tăng và cung vượt quá cầu. Nông sản phụ thuộc nhiều vào thị trường, tư thương nên sức mua kém, người trồng phải bán vội để kiếm vốn xoay vòng.

Cây bí xanh thơm được trồng nhiều ở một số xã của huyện Ba Bể như Địa Linh, Yến Dương và mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Tuy nhiên cứ vào vụ thu hoạch bí người dân lại lo nơm nớp vì không bán được. Bí xanh cho năng suất rất cao, 1 ha có thể cho thu hoạch trên 5 tấn quả và giá bán chỉ dao động từ 6-10 nghìn đồng/kg.

Ông Vi Tô Bàn - thôn Pác Nghè 2, xã Địa Linh cho biết, so với cây trồng khác, bí xanh cho hiệu quả cao hơn. Tuy nhiên, năm nào được mùa thì giá thấp, có khi chỉ còn 5  nghìn đồng/kg. Lượng bí tồn đọng nhiều khiến người trồng phải bán tháo.

Lợi thế thấy rõ nhưng để cây bí xanh phát triển bền vững thì cần sự quan tâm hơn nữa từ các cấp, ngành. Nhiều địa phương trong tỉnh đã thành lập các tổ hợp tác xã nhằm liên kết sản xuất, tìm đầu ra cho sản phẩm. Tuy nhiên, vì mô hình mới, chưa có kinh nghiệm về thị trường nên vẫn cần sự hỗ trợ rất lớn từ đơn vị liên doanh, liên kết và chính quyền các cấp.

Nỗ lực tìm đầu ra

Những năm qua, Bắc Kạn đã đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, quảng bá tiêu thụ sản phẩm nông sản. Tỉnh đã mời gọi, kết nối, thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư sản xuất sản phẩm nông sản của tỉnh đạt tiêu chuẩn về thực phẩm an toàn, VietGAP để nâng cao giá trị; nỗ lực tìm kiếm doanh nghiệp và thị trường tiêu thụ ổn định, tham gia liên kết tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị...

Bà Đỗ Thị Minh Hoa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn nhấn mạnh, việc đẩy mạnh kết nối cung cầu sẽ hình thành các thiết chế bền vững giữa doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp phân phối. Bắc Kạn tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp kết nối, phát triển thị trường, mở rộng liên doanh, liên kết. Đây là một trong các hoạt động xúc tiến thương mại quan trọng, góp phần tăng cường hợp tác, thúc đẩy phát triển kinh tế, đầu tư, du lịch, dịch vụ cho tỉnh.

Thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung thúc đẩy, gắn kết giao thương, tạo cơ hội cho thương nhân, doanh nghiệp của Bắc Kạn cùng nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước gặp gỡ, ký kết cung cấp, tiêu thụ nông sản chất lượng của địa phương.

Năm 2019, Bắc Kạn có kế hoạch xây dựng ít nhất 2 trung tâm giới thiệu sản phẩm và 6 điểm bán hàng OCOP (mỗi xã, phường một sản phẩm) tại các huyện, thành phố. Hiện tỉnh có 1 điểm bán hàng OCOP tại thành phố Bắc Kạn. Việc tổ chức tốt kênh phân phối các sản phẩm OCOP sẽ góp phần xúc tiến thương mại, nâng cao nhận thức của người dân về chương trình này; qua đó, người dân có cơ hội tìm hiểu, sử dụng sản phẩm nông sản chất lượng cao, giá thành hợp lý, nguồn gốc rõ ràng.

Các trung tâm phân phối nông sản, thực phẩm an toàn mở ra nhiều đã thay đổi nhận thức, tư duy mua sắm của người dân. Trung tâm phân phối nông sản, thực phẩm an toàn Bắc Kạn đã có sự kết nối trong tiêu thụ của 15 Hợp tác xã về nông sản trên địa bàn tỉnh. Để mở rộng thị trường, đơn vị này đã hợp tác với những tập đoàn lớn trong tiêu thụ những sản phẩm nông nghiệp an toàn. Đây là cách làm phù hợp với xu thế hiện nay trong việc nâng cao hiệu quả của chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, để thành công, không chỉ doanh nghiêp mà người nông dân cũng cần phải đổi mới mô hình tổ chức sản xuất.

Những hạn chế trong kết nối thị trường chính là nút thắt ảnh hưởng lớn đến quá trình sản xuất và phát triển nông sản trên địa bàn. Thực tế cho thấy, nông dân và tổ hợp tác, Hợp tác xã hiện nay vẫn rất bị động trong tiêu thụ, quảng bá sản phẩm. Chợ đầu mối nông sản hay các đại lý phân phối sản phẩm đặc trưng vẫn còn rất hiếm./.

Đức Hiếu

TTXVN