Tham dự và chủ trì hội nghị có đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương, UBND các tỉnh: Cà Mau, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Bình Thuận, Ninh Thuận, Phú Yên, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản, hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam và người nuôi tôm của các tỉnh cùng tham dự.

Đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy cùng Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường và Thứ trưởng Bộ NN &PTNT Vũ Văn Tám chủ trì hội nghị

Báo cáo tại Hội nghị, ông Như Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục thủy sản, Bộ NN&PTNT) cho biết, diện tích thả nuôi tôm nước lợ 5 tháng đầu năm cả nước gần 637.000 ha, bằng 102,5% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, diện tích thả nuôi tôm sú là hơn 582.000 ha (tăng 101,4% so với cung kỳ năm 2017), tôm thẻ chân trắng là 54.500 ha (tăng 116,4% so với cùng kỳ 2017). Sản lượng thu hoạch là gần 195.000 tấn (tăng hơn 111% so với cùng kỳ 2017). Trong đó, sản lượng thu hoạch tôm sú là 85,655 tấn. Tuy nhiên, thời gian qua giá tôm nguyên liệu liên tục sụt giảm gây ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích kinh tế của người nuôi.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), sự sụt giảm giá tôm toàn cầu liên tục trong thời gian qua được cho là do nhu cầu tại các thị trường lớn như: Mỹ và Trung Đông sụt giảm. Ngoài ra Trung Quốc tăng cường kiểm soát tình trạng buôn lậu tôm dẫn đến lượng tôm tiêu thụ qua đường tiểu ngạch giảm. Bên cạnh đó, sản lượng thu hoạch tôm thẻ chân trắng ở một số nước sản xuất tôm lớn như Indonesia, Thái Lan, Malaysia,… đều tăng, nguồn cung dồi dào. Các nhà nhập khẩu đã nhân cơ hội này gây sức ép giảm giá. Chỉ tính trong quý II/2018, giá tôm nguyên liệu giảm từ 10.000-30.000 đồng/kg tùy theo cỡ tôm.

Tại Hội nghị các chuyên gia cho rằng, thường người nuôi tôm sẽ thu hoạch tôm khi đạt kích cỡ 30-50 con/kg, nhưng đầu năm 2018 với tâm lý bất ổn về giá nên người nuôi đã thu hoạch sớm khi tôm đạt 70- 100 con/kg. Với lượng tôm có kích cỡ nhỏ làm cho năng suất chế biến ở các nhà máy giảm dẫn đến dư thừa nguồn cung nguyên liệu. Ngoài ra, áp lực về giá làm cho giá tôm trong tháng 4 đến tháng 5 giảm hơn 20% và xấp xỉ chạm mốc giảm 30%. Từ đó, các đại biểu đã đưa ra một số giải pháp, cũng như hướng dẫn giúp bà con nuôi tôm yên tâm sản xuất.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, ông Nguyễn Xuân Cường khẳng định, tất cả người dân phải bình tĩnh trước tình hình hiện nay. Đối với người nuôi thâm canh thì không bán tôm kích cỡ nhỏ; bà con nuôi ao đất cần điều chỉnh quy trình nuôi hợp lí, tránh nuôi với mật độ dày để giảm bớt chi phí sản xuất. Đối với các doanh nghiệp cần “đồng hành” cùng người nuôi tôm trong giai đoạn khó khăn nay, xem đây là cơ hội để nuôi dưỡng thị trường lâu dài theo hướng bền vững. Đối với các tỉnh, trong công tác quản lý thật chặt chẽ, cùng với các cơ quan ngành dọc, cơ quan chuyên môn hướng dẫn bà con ngay lúc này càng phải tập trung về quy trình, theo dõi dịch bệnh, kiểm soát chất lượng và liên kết sản xuất theo chuỗi để không bị động. Cơ quan chuyên môn cần tổng kết những mô hình mới, cùng với địa phương để hướng dẫn bà con áp dụng.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường tham quan mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong bể nổi của công ty Long Mạnh

Thông qua buổi hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường mong muốn truyền đạt thông tin đúng nhất, khách quan nhất cho người dân. Hiện nay, bà con nông dân phát triển nhiều mô hình nuôi tôm đạt hiệu quả kinh tế cao, ổn định, tiếp tục tận dụng thời cơ, khắc phục những khiếm khuyết, chưa ổn định của thế giới để phát huy nguồn lực của chúng ta.

Trước đó, chiều ngày 2/6/2018, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cùng đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương đã có buổi tham quan mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong bể nổi của Công ty Long Mạnh, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu.

Ngọc Oanh

Trung tâm Khuyến nông Bạc Liêu