Ông Võ Tánh, thôn Chánh Trạch 2, người có nhiều năm kinh nghiệm trồng bí đao khổng lồ, cho biết: Hàng năm bà con địa phương gieo hạt vào khoảng tháng mười một, tháng Chạp âm lịch, đến tháng 2 lên giàn và bắt đầu thu hoạch đến hết tháng 5 khi bí đao đã chín, đạt kích thước và trọng lượng tối đa. Tổng thời gian mất khoảng 6 tháng. Mỗi dây bí có thể ra hoa, kết nhiều quả nhưng nông dân chỉ giữ lại một quả to nhất, các quả nhỏ hơn bị loại bỏ.

Do quả bí đao quá nặng nên giàn bí phải chắc chắn để khỏi bị sập. Dàn bí được làm bằng những cây tre đặc gác lên những hàng trụ làm bằng gỗ lớn hoặc gốc tre to để tạo khung giàn vững chắc cho những quả bí đao khổng lồ treo lên. Mỗi quả bí đều được buộc dây làm giá đỡ bên dưới. Trước đây bà con thường dùng dây thừng, dây rơm để treo nhưng nay hầu hết bà con chủ yếu mua lưới về làm võng đỡ bí. Bí lớn đến đâu thì võng thả đến đó nên quả bí phát triển đều đặn hơn và không bị dây đỡ làm móp quả bí như trước.

Mỗi quả bí được làm võng đỡ

 

Việc thu hoạch quả bí khổng lồ cũng được người dân thực hiện rất “công phu”. Quả bí được cố định xung quanh trước khi cắt cuống, sau đó nhẹ nhàng hạ từ từ quả bí xuống mặt đất, không được để quả bí tự rơi từ giàn xuống mặt đất hoặc rung lắc mạnh sẽ làm quả bí “lỏng ruột”, quả bí sẽ bị hư và không thể bảo quản lâu được.

Vụ bí này nhà ông Tánh trồng 110 gốc cho được 110 quả. Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ du lịch Bình Long và một số thương lái đã đặt mua bí với giá 5.000 đồng/kg, bình quân khoảng 300.000 đồng/quả, doanh thu khoảng trên 30 triệu đồng.

Ông Võ Tánh vừa tưới nước cho cây bí vừa vui vẻ chia sẻ kinh nghiệm để quả bí đao trở nên to lớn và chất lượng ngon thì ngoài việc cung cấp đủ dinh dưỡng như phân hữu cơ hoai mục, phân NPK thì việc tưới đủ nước là hết sức quan trọng.

Cũng theo ông Tánh, trồng bí đao khổng lồ là nghề gia truyền của làng Chánh Trạch hàng trăm năm qua. Cũng hạt giống bí đao này ông cho một số người dân ở nơi khác mang về trồng nhưng quả không to như trồng ở thôn Chánh Trạch, chỉ tầm khoảng 15 - 20 kg.

Điều đặc biệt của cây bí đao khổng lồ ở địa phương này là không chỉ cho thu hoạch trái mà bà con còn khai thác nước tiết ra từ thân cây bí để bán cho người tiêu dùng. Bí đao sau khi thu hoạch, bà con cắt bỏ phần cây bí trên ngọn rồi dùng chai hoặc thau để hứng lấy nước do đoạn cây hút nước và dinh dưỡng từ trong lòng đất, dẫn lên thân cây và tiết ra nơi vết cắt. Mỗi cây bí tùy lớn nhỏ khác nhau mà cho thu hoạch khoảng từ 1 đến 2 lít nhựa bí. Nước nhựa bí rất trong và có mùi thơm bí đao đặc trưng. Sau khi thu hoạch xong, bà con bảo quản trong can nhựa sạch thời gian khoảng 20 ngày để cho nước nhựa bí tự lắng, sau đó bà con thường dùng vải màng để lọc rồi để dành uống dần hoặc bán ra thị trường. Giá bán nước bí đao dao động từ 25.000 – 30.000 đồng/lít nên người trồng bí càng có thêm động lực để “giữ nghề”.

Nước bí đao thơm ngon, có tác dụng thanh nhiệt

 

Những năm trước, ngoài nguồn thu nhập từ việc bán quả bí bà con địa phương còn thu hút được khách du lịch đến tham quan, thưởng thức trực tiếp các món ăn chế biến từ bí đao khổng lồ này nhưng năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên các vườn bí vắng khách.

Ông Trần Minh Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Thọ, thông tin thêm: Bí đao xã Mỹ Thọ đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể ngày 12/11/2018. Xã đang xây dựng Đề án để phát triển cây bí đao thành một trong những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương, từng bước xây dựng và hình thành điểm du lịch sinh thái.

Mặc dù lợi nhuận từ việc trồng cây bí đao chưa cao nhưng nghề trồng bí đao ở thôn Chánh Trạch đã có từ lâu đời, bà con nơi đây rất tự hào về cây bí đao khổng lồ của làng mình là “độc nhất vô nhị" ở Việt Nam và là một sản phẩm không thể thiếu của người dân ở làng Chánh Trạch này./.

Đinh Văn Toại

Sở Nông nghiệp &PTNT Bình Định