Xa xa là màu khói của các lò tráng bánh toả ra ngun ngút, hai bên đường và trong sân vườn nhà là những vỉ bún, bánh mới ra lò còn thơm mùi gạo, mới được đem phơi trong nắng sớm… Tất cả tạo nên một không khí lao động thật nhộn nhịp, khẩn trương nhưng cũng rất yên bình của làng nghề.

Làng nghề bún bánh ở An Phong đã có từ lâu đời, chính những người dân ở đây cũng không biết có từ lúc nào, chỉ biết nó được truyền từ đời này sang đời khác và gắn bó với nhiều thế hệ ở đây. Tuy nhiên, vì nhiều lý do nên nhiều người không theo nghề truyền thống của gia đình mà chuyển sang làm một số ngành nghề khác. Tuy nhiên vẫn có nhiều gia đình luôn nối nghiệp làm nghề bún, bánh của ông bà để lại, truyền từ đời này sang đời khác.

Hiện tại làng nghề bún bánh An Phong có hơn 60 hộ tham gia sản xuất các loại sản phẩm, chủ yếu là bún tươi, bún hủ tiếu, bánh tráng. Mỗi năm tạo ra một lượng lớn sản phẩm bún, bánh các loại đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường trong và ngoài địa phương, tạo việc làm ổn định cho nhân dân, góp phần nâng cao thu nhập cải thiện đời sống cho nhiều hộ dân.

Nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường và nâng cao hiệu quả sản xuất, nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư vốn mua sắm máy móc để áp dụng vào sản xuất như máy xay gạo, máy đánh bột, máy xắt bún… Nhiều hộ đã đầu tư máy móc hiện đại tạo thành một dây chuyền sản xuất khép kín, giải phóng sức lao động cho con người, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Hiện tại, mỗi hộ 2 lao động trong một ngày làm ra từ 60 đến 80 kg bún tươi, với giá bán hiện nay sau khi trừ chi phí còn lãi từ 150 đến 200 nghìn đồng. Riêng đối với nghề làm bánh tráng, nếu thời tiết nắng ráo, trong 1 ngày mỗi hộ 2 lao động làm ra khoảng 1500 chiếc bánh, đặc biệt những lúc cao điểm như tháng Chạp thì có khi lên đến 2000 chiếc. Bánh tráng có nhiều loại như bánh gạo, bánh mè, bánh dừa… và độ dày mỏng cũng khác nhau tuỳ theo nhu cầu của thị trường. Sau khi trừ chi phí, mỗi hộ cũng thu lãi từ 200 đến 250 nghìn đồng/ngày. Nhờ đó, đời sống của các hộ tham gia làng nghề ngày càng được cải thiện đáng kể, giúp họ yên tâm gắn bó với nghề.

Bà Nguyễn Thị Thanh Nga – một trong những hộ tham gia làng nghề, đã có hơn 20 năm gắn bó với nghề tráng bánh của cha mẹ để lại. Chính nhờ nghề này mà cuộc sống gia đình bà được ổn định và có điều kiện lo cho các con ăn học.

Bà Nga tâm sự: “Ở quê không biết làm gì nên tôi đã theo nghề làm bánh tráng của cha mẹ để lại. Cũng nhờ nghề này đã giúp cho gia đình tôi có việc làm và thu nhập ổn định. Sau khi trừ các khoản chi phí, bình quân mỗi ngày gia đình tôi thu nhập khoảng 200 nghìn đồng, cuộc sống gia đình ngày càng được cải thiện và có điều kiện chăm sớc con cái ăn học đầy đủ..”

Làng nghề đang tất bật cho công việc những ngày cuối năm để có một mùa xuân mới tươi đẹp hơn với nhiều hy vọng mới cho làng nghề và cuộc sống./.

Trường Giang

Đài truyền thanh huyện Phù Cát, Bình Định