Hướng phát triển ưu tiên

Sau thành công của một số mô hình trồng thử nghiệm cây dược liệu như cà gai leo, ba kích, đinh lăng… của anh Võ Văn Hùng ở xã Hòa Trạch với diện tích 1 ha, mô hình trồng cây cà gai leo dưới tán cao su của anh Phan Văn Tiến ở xã Sơn Lộc quy mô 2,6 ha..., người dân ở các xã vùng gò đồi trên địa bàn huyện đã mạnh dạn chuyển đổi đất cao su gãy đổ và diện tích trồng cây tạp kém hiệu quả sang trồng các loại cây dược liệu.

Cùng với sự hỗ trợ của các cấp chính quyền và dự án SRDP, các hộ dân còn liên kết thành tổ hợp tác, HTX trồng cây dược liệu để hỗ trợ nhau sản xuất và tìm kiếm đầu ra ổn định. Điển hình như Tổ hợp tác trồng cà gai leo của thôn 1, thôn 3 (xã Lâm Trạch); Tổ hợp tác cây Dừa, cây Côn ở thôn 4 (xã Xuân Trạch); Mô hình trồng sâm ba kích, cà gai leo, kim tiền thảo của anh Võ Văn Hùng (xã Hòa Trạch), anh Phan Văn Tiến (xã Sơn Lộc), anh Phạm Xuân Bổng (xã Cự Nẫm)… Trên địa bàn huyện cũng đã thành lập được HTX sản xuất và cung ứng giống cây dược liệu với quy mô 2 ha và 4 doanh nghiệp chế biến các sản phẩm tinh chế từ cây dược liệu như trà, cao… các loại nhằm đa dạng hóa sản phẩm và tăng giá trị cho cây dược liệu.

Theo ông Nguyễn Trọng Tuyển, Trưởng phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Bố Trạch, dược liệu là đối tượng cây trồng phù hợp với vùng gò đồi, có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, mang lại hiệu quả kinh tế cao và thị trường tiêu thụ rộng mở. Đây còn là loại cây trồng có thể phát triển theo hướng chế biến thành các sản phẩm tinh chế như cao cà gai leo, cao vằng, cao kim tiền thảo, trà túi lọc… nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ. Với lợi thế vùng gò đồi rộng lớn, cùng với chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng của tỉnh, huyện Bố Trạch đã có chính sách đưa cây dược liệu vào danh mục cây trồng ưu tiên hỗ trợ phát triển nhằm mở ra tiềm năng, cơ hội cho người nông dân nâng cao thu nhập và làm giàu từ loại cây này. Nhờ đó, diện tích cây dược liệu trên địa bàn huyện không ngừng tăng lên với các chủng loại phong phú, đa dạng, bước đầu cho hiệu quả kinh tế ổn định và cao hơn hẳn so với trồng lúa và cây màu, với mức thu nhập trung bình đạt trên 70 triệu đồng/ha/năm.

Theo thống kê mới nhất, toàn huyện Bố Trạch hiện có khoảng 100 ha diện tích cây dược liệu và đa dạng các loại cây như cà gai leo, đinh lăng, nghệ, chè hòe, sâm cau, sâm Bố Chính...; trong đó có 28 ha (gồm 20,5ha cà gai leo, 3ha chè hòe, 3 ha đinh lăng, 1ha kim tiền thảo, 0,5ha ba kích) thuộc danh mục cây dược liệu ưu tiên phát triển giai đoạn 2016-2020. Phần lớn diện tích trồng cây dược liệu trên địa bàn huyện đều có liên kết với các doanh nghiệp, cơ sở chế biến để bao tiêu sản phẩm đầu ra cho người dân.

Đa dạng sản phẩm chế biến

Xuất phát từ nhu cầu về các sản phẩm chế biến từ cây dược liệu của người tiêu dùng, cùng với tiềm năng về nguồn nguyên liệu sẵn có, một số doanh nghiệp trên địa bàn đã mạnh dạn đầu tư xây dựng cơ sở chế biến sản phẩm tinh chế như cao, trà túi lọc… để gia tăng giá trị cho cây dược liệu. Đây cũng là một trong những giải pháp nhằm khơi mở tiềm năng và phát triển bền vững cây dược liệu trên vùng gò đồi Bố Trạch trong thời gian qua.

Anh Phan Văn Tiến ở xã Sơn Lộc cho biết, trước đây, gia đình anh trồng cà gai leo chủ yếu bán thô (phơi khô) cho bà con trong vùng với giá từ 90.000 - 100.000 đồng/kg. Từ cuối năm 2018, anh liên kết với Công ty TNHH Nông nghiệp xanh Quảng Bình để cung cấp nguyên liệu sản xuất trà túi lọc. Theo tính toán của anh Tiến, so với bán nguyên liệu thô thì khi được đầu tư chế biến, giá trị cây cà gai leo tăng gấp 2,5 lần, sản phẩm cũng dễ tiêu thụ rộng khắp do được công bố chất lượng, đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa. Hiện tại, mỗi ngày cơ sở chế biến được khoảng 300 hộp trà túi lọc, với giá bán lẻ từ 70.000 đồng hộp (60 gói), doanh thu của cơ sở đạt từ 70 - 80 triệu đồng/tháng và tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động địa phương.

Theo ông Nguyễn Trọng Tuyển, Trưởng phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Bố Trạch, hiện tại, trên địa bàn huyện có 4 doanh nghiệp đầu tư phát triển vùng nguyên liệu theo hướng liên kết chuỗi với các HTX và hộ dân để bao tiêu sản phẩm; đồng thời xây dựng cơ sở chế biến để cung cấp sản phẩm dược liệu cho thị trường. Nhờ đó đã từng bước đa dạng các sản phẩm chế biến từ cây dược liệu. Điển hình như sản phẩm cao cà gai leo, cao lá vằng, cao lạc tiên Thanh Bình của HTX KDTH cây dược liệu Cự Nẫm; cao cà gai leo, cao lạc tiên, cao kim tiền thảo của chi nhánh Công ty TNHH Sơn Trung Du; trà túi lọc cà gai leo của Công ty TNHH Nông nghiệp xanh Quảng Bình. Ngoài ra, Công ty TNHH Nông nghiệp CNC Tuệ Lâm cũng đang thử nghiệm chế biến các sản phẩm như kẹo sâm, nước giải khát, rượu sâm, sâm khô…, hứa hẹn đa dạng sản phẩm chế biến từ cây sâm Bố Chính.

Sản phẩm trà túi lọc cà gai leo của Công ty TNHH Nông nghiệp Xanh Quảng Bình được người tiêu dùng đón nhận

“Với tầm nhìn chiến lược lâu dài, cùng những tiềm năng, lợi thế mà cây dược liệu mang lại, huyện Bố Trạch đang tập trung hỗ trợ người dân phát triển đối tượng cây trồng này theo hướng hàng hóa. Ngoài chính sách chung của tỉnh, thời gian qua, huyện Bố Trạch đã thực hiện hỗ trợ 10 triệu đồng/ha (lần đầu) đối với những hộ dân mở rộng diện tích trồng cây dược liệu theo chuỗi liên kết. Đặc biệt, đối với các sản phẩm dược liệu đã qua chế biến của các cơ sở chế biến trên địa bàn, huyện cũng sẽ có chính sách hỗ trợ để xây dựng thành sản phẩm chủ lực, sản phẩm có lợi thế của địa phương theo hướng OCOP” – ông Nguyễn Trọng Tuyển chia sẻ thêm.

Ngọc Lan