Hiện nay, tại “thủ phủ” cam Cao Phong, diện tích cây ăn quả có múi trên 3.000ha (trong đó: cây cam gần 1.700ha, quýt trên 800ha, bưởi gần 500ha). Diện tích cây thời kỳ kinh doanh trên 1.500ha, sản lượng niên vụ 2019 - 2020 dự kiến trên 40.000 tấn. Toàn huyện hiện có trên 970ha cam sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Thời gian thu hoạch các giống cam bắt đầu từ tháng 9 kéo dài đến tháng 4 năm sau. Với giá thương phẩm bình quân khoảng 18.000- 25.000 đồng/kg, giá trị bình quân ước đạt khoảng 400 - 600 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả như vậy thì các nhà vườn phải tuân thủ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất theo tiêu chuẩn sạch, an toàn.

Gia đình ông Nguyễn Đức Mạnh ở khu 3, thị trấn Cao Phong được biết đến là hộ có thâm niên gắn bó và làm giàu từ cây cam. Với diện tích gần 9ha, vụ cam năm nay gia đình ông ước tính thu được trên 4 tỷ đồng. Kinh nghiệm nhiều năm gắn bó với cây cam, ông Mạnh khẳng định trồng cam không khó nhưng phải nắm vững và tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật từ khi lựa chọn vị trí trồng, lựa chọn cây giống cho đến việc lựa chọn phân bón, phòng trừ dịch bệnh. Có như vậy cây cam mới cho năng suất cao và chất lượng quả thơm ngon.

Cam Cao Phong được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng 

Năm 2014, sản phẩm cam Cao Phong được Cục Sở hữu Trí tuệ (thuộc Bộ KH&CN) công nhận chỉ dẫn địa lý, từ đó đến nay giá trị kinh tế từ cây cam mang lại cho người nông dân Cao Phong đã ngày càng tăng lên. Với chủ trương đa dạng hóa các sản phẩm cam, nhân dân Cao Phong đã lựa chọn nhiều giống cam tốt như : Cam lòng vàng CS1, cam Xã Đoài, cam V2, cam đường canh, cam Marrs, quýt Ôn Châu...

Thực tế những năm qua cho thấy, nếu làm chủ khoa học kỹ thuật và đầu tư thích đáng, người dân có thể làm giàu từ trồng cam. Hiện nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đã tham gia sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả có múi. Ngày càng xuất hiện nhiều hơn những triệu phú, tỷ phú từ trồng cam. Thị trường tiêu thụ của cam, quýt Cao Phong là khắp các tỉnh thành trong cả nước nhưng phần lớn là tiêu thụ ở thị trường thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận. Đặc biệt, năm 2018 hãng Hàng không Quốc gia (Vietnam Airlines) đã đưa đặc sản cam Cao Phong, Hòa Bình trở thành món tráng miệng phục vụ hành khách hạng Thương gia trên gần 70 đường bay. Có thể nói đó là một trong những tín hiệu tốt đối với thương hiệu cam Cao Phong cũng như những người làm vườn trên địa bàn huyện Cao Phong nói riêng và tỉnh Hòa Bình nói chung. 

Ông Hồ Xuân Dũng, Phó chủ tịch UBND huyện Cao Phong cho biết: Để xây dựng thương hiệu cam Cao Phong phát triển ổn định và bền vững, trong thời gian tới huyện tiếp tục đẩy mạnh hướng dẫn, định hướng cho nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, phát triển bền vững vùng cam hàng hóa; tổ chức liên kết hợp tác từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người trồng cam. Đồng thời để nâng tầm giá trị của cây ăn quả có múi, đặc biệt là cam quýt, huyện thành lập ban kiểm soát để giám sát hoạt động sản xuất sản phẩm cam từ khâu giống, chăm sóc đến quá trình thu mua, tiêu thụ, tránh gian lận ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm; thành lập hội người trồng cam để chính những người trồng cam của địa phương cùng chung tiếng nói để phát triển bền vững, đảm bảo chất lượng, ATTP cho sản phẩm cam Cao Phong.

Một mùa cam mới đang về với những người nông dân ở Cao Phong. Thời điểm này Cao Phong đang vào mùa thu hoạch cam, tất bật rộn ràng trong niềm vui của người trồng cây đến ngày hái quả ngọt. Với định hướng đúng đắn và sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, tin tưởng việc đẩy mạnh phát triển cây cam nói riêng và các loại cây ăn quả có múi nói chung sẽ thực sự là hướng đi hiệu quả giúp nông dân Cao Phong tăng thu nhập, phát triển đời sống./.

Thanh Hằng

 Trung tâm Khuyến nông Hòa Bình