Tuy nhiên việc phát triển cây ăn quả trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Số lượng cây giống đảm bảo tiêu chuẩn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của bà con; Quy mô sản xuất cây ăn quả manh mún, nhỏ lẻ, phân tán; Trên địa bàn tỉnh có rất ít nhà máy chế biến và bảo quản nông sản; Việc tổ chức sản xuất, liên kết còn yếu và chưa hiệu quả; Hệ thống phân phối, tiêu thụ sản phẩm chưa chuyên nghiệp; Hệ thống thông tin thị trường còn hạn chế…

Ngày 19/9/2019, tại TP. Buôn Ma Thuột, Sở NN&PTNT Đắk Lắk phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) tổ chức Hội nghị nhằm định hướng về sản xuất nông nghiệp gắn với thị trường tiêu thụ một số nông sản, sản phẩm quả tươi của tỉnh Đắk Lắk.

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung phân tích thực trạng, những lợi thế và thách thức trong việc phát triển cây ăn quả của tỉnh Đắk Lắk. Các đại biểu cho rằng để nông sản Đắk Lắk phát triển bền vững cần phải có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành trong việc tuyên truyền, hướng dẫn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và người sản xuất những quy định về cấp mã vùng trồng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Từ đó mới giúp sản phẩm trái cây của tỉnh được xuất khẩu chính ngạch. Bên cạnh đó, cũng cần chú trọng việc tuyên truyền,vận động nông dân tham gia vào các chuỗi giá trị, đổi mới tư duy sản xuất, xây dựng thương hiệu cho các vùng trồng cây ăn quả đặc sản, từng bước khẳng định thương hiệu hàng hóa của sản phẩm quả tươi tỉnh nhà.

Gian hàng trưng bày các sản phẩm trái cây, nông sản của địa phương tại Hội nghị

Kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN&PTNT Đăk Lắk một lần nữa nhấn mạnh: “Để nâng cao hiệu quả và tính bền vững của cây ăn trái, bên cạnh việc quy hoạch các vùng trồng tập trung, thống nhất, tỉnh và ngành cần tiếp tục quan tâm đến việc xúc tiến thương mại, khuyến khích liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và người sản xuất, để có nguồn trái cây chất lượng, minh bạch về nguồn gốc, đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu qua đường chính ngạch”.

Hoàng Liên

Trung tâm Khuyến nông Đắk Lắk