Vào những ngày này, dọc theo các tuyến đường quốc lộ 14 qua các huyện Cư Jut, Đăk Mil, Đăk Song,… nơi có diện tích lớn cây trồng cây công nghiệp dài ngày, không khó để bắt gặp hình ảnh những đoàn xe công nông chở nông sản nối đuôi nhau đi về.

Những tưởng cùng với sự hối hả và đầy ắp nông sản của những chuyến xe sẽ là niềm vui lớn của người nông dân trong mùa thu hoạch nhưng vấn đề giá cả lại là một nỗi lo lớn. Đến thăm những người nông dân tại xã Nam NJang tại thời điểm thu hoạch nông sản mới hiểu hết được nỗi vất vả của người dân làm nông nghiệp nơi đây. Thu nhập chính của gia đình phụ thuộc vào những mảnh đất trồng hồ tiêu, cà phê… Năm nào thuận lợi, không bị dịch bệnh, thời tiết ổn định, cây trồng cho năng suất cao, người dân rất phấn khởi. Nhưng niềm vui vẫn chưa thể trọn vẹn vì còn phụ thuộc vào giá bán sản phẩm vụ đó.

Theo anh Nguyễn Văn Tiến, một nông dân tại xã Nam NJang cho biết: “Vụ thu hoạch vừa qua tuy năng suất các cây trồng có cao hơn vụ 1 đôi chút nhưng giá thì lại thấp hơn, nên sau khi trừ các khoản chi phí (công lao động, phân bón, thuốc BVTV,…) thì lợi nhuận không đáng là bao, không đủ trang trải chi phí cho những sinh hoạt hàng ngày của gia đình”.

Nông dân Đắk Nông thu hoạch hồ tiêu

Do giá nông sản xuống thấp kỷ lục, ví dụ như giá hồ tiêu năm 2016 dao động từ 160.000 - 180.000 đồng/kg, trong khi hiện tại giá hồ tiêu giảm xuống chỉ còn trên 44.000 đồng/kg. Giá cà phê cũng không thoát khỏi cảnh ảm đạm, dao động từ 32.000 - 33.000 đồng/kg. Những biến động về giá cả thị trưởng ảnh hưởng khá nặng nề cho người sản xuất cũng như sự phát triển kinh tế.

Bên cạnh đó cũng do cách canh tác của người nông dân, mở rộng diện tích một cách ồ ạt, không theo quy hoạch dẫn đến tình trạng chất lượng nông sản giảm. Đến một lúc nào đó cung vượt cầu dẫn đến hệ lụy giá nông sản xuống thấp.

Điểm lại một số mặt hàng nông sản trong năm vừa qua liên tục rơi vào tình trạng giá thấp như hồ tiêu, cà phê, cao su… Đăc biệt là mặt hàng hồ tiêu, trong những tháng gần đây, giá thấp kỷ lục dẫn đến một số hộ nông dân chán nản, không chăm sóc vườn tiêu, càng làm cho vườn tiêu bị chết hàng loạt. Nhiều người cho rằng “được mùa, mất giá” là một nghịch lý, vậy mà tình trạng này lại đang diễn ra như một thuận lý, một quy luật tất yếu của thị trường. Song đáng lo ngại nhất, khi vấn đề này cứ lặp đi lặp lại từ mùa vụ này sang mùa vụ khác, từ năm này, sang năm khác mà vẫn chưa có một lời giải./.

Trịnh Đình Thâng

Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đăk Nông