Tham dự Diễn đàn có đại diện lãnh đạo Bộ và các cơ quan chức năng thuộc Bộ NN&PTNT, đại diện Vụ Thương mại Biên giới và Miền núi thuộc Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan và Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh và các Sở, Ban ngành của Lạng Sơn, đại diện Sở NN&PTNT, Sở Công thương của 19 tỉnh, thành phố trong cả nước, Phụ trách Thương vụ Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Tây (Trung Quốc), đại diện chính quyền Thành phố Sùng Tả, thị xã Bằng Tường, huyện Long Châu thuộc Khu tự trị dân tộc Choang (Quảng Tây – Trung Quốc) cùng hơn một trăm doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực nông sản của Việt Nam và Trung Quốc.

Toàn cảnh Diễn đàn

Diễn đàn đã ghi nhận những ý kiến tham luận của các nhà quản lý, cơ quan chuyên môn và nhiều doanh nghiệp nông sản của cả 2 nước Việt Nam và Trung Quốc.         Đại diện đoàn đại biểu đến từ thị xã Bằng Tường (Quảng Tây – Trung Quốc) cho biết: Chất lượng nông sản Việt Nam chưa đồng đều, nhiều loại nông sản của Việt Nam được ưa chuộng tại thị trường Trung Quốc (ví dụ như quả Na Chi Lăng, Lạng Sơn) lại chưa có trong danh mục hàng nhập khẩu, khâu kiểm dịch và thông quan chưa nhanh gọn, hạ tầng giao thông và kho bãi còn nhiều khó khăn. Đến nay, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc chủ yếu vẫn là các mặt hàng nông sản, trong đó trái cây tươi chiếm hơn 50% nhưng chưa được bao gói đạt chuẩn và gắn tem nhãn nguồn gốc xuất xứ… trong khi thị trường Trung Quốc ngày càng yêu cầu nghiêm ngặt hơn.

Hiện cả nước ta có khoảng 850.000 ha rau các loại cho sản lượng hàng năm khoảng 14,5 triệu tấn, cây ăn quả có khoảng 700.000 ha cho sản lượng hàng năm khoảng 7 triệu tấn. Tuy nhiên, lượng rau quả đạt tiêu chuẩn VietGAP và GlobolGAP còn khá hạn chế. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết: Cùng với việc phát triển vùng rau quả an toàn, cần khẩn trương xây dựng chiến lược thương mại biên giới Việt – Trung, ưu tiên những mặt hàng có lợi thế của Việt Nam.

Diễn đàn đã tạo cơ hội trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, kết nối giữa các doanh nghiệp của 2 nước, đồng thời ghi nhận được nhiều ý kiến nhằm tháo gỡ khó khăn trong quá trình sản xuất và tiêu thụ nông sản, đặc biệt là rau quả tươi vào thị trường Trung Quốc. Tại Diễn đàn, 17 Hợp đồng ghi nhớ trao đổi nông sản đã được ký kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc./.

Nguyễn Duy Hà 

Trung tâm Khuyến nông Lạng Sơn