Với giá tiêu như hiện nay, các nông hộ sản xuất tiêu ở Tây Nguyên không còn có lãi, thậm chí lỗ nặng, vì qua tính toán giá thành sản xuất 1 kg tiêu đen đã tăng lên từ 45.000 - 47.000 đồng do đầu vào tăng, từ công chăm sóc, tưới nước, bón phân, thuốc trừ sâu đến công thu hoạch.

Sở Nông nghiệp &PTNT Đắk Lắk cho TTXVN biết, một trong những nguyên nhân giá tiêu giảm xuống sâu là do diện tích tiêu ngày càng mở rộng, nhất là các tỉnh Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, nên nguồn cung trong, ngoài nước khá dồi dào, trong khi đó, nhu cầu thị trường không tăng.

Dự báo từ nay đến cuối năm, giá tiêu đen ở các tỉnh Tây Nguyên vẫn còn nhiều biến động, tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, bất lợi cho người sản xuất.

Do giá tiêu xuống thấp, hiện nay, các nông hộ sản xuất tiêu ở Tây Nguyên đã chuyển hàng trăm ha tiêu kém chất lượng, năng suất thấp, những vùng đất không thích hợp hoặc bị sâu bệnh… sang trồng các loại cây trồng khác mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.Các địa phương, đơn vị cũng tuyên truyền, vận động các nông hộ tổ chức thành các tổ, nhóm, HTX liên kết với các doanh nghiệp để sản xuất tiêu theo đúng quy trình sản xuất tiêu sạch, đảm bảo chất lượng, bao tiêu sản phẩm… nhằm tạo điều kiện phát triển cây hồ tiêu bền vững, tránh rủi ro, thiệt hại cho người sản xuất.

Khoảng 5 năm gần đây, các tỉnh Tây Nguyên đã ồ ạt mở rộng diện tích không theo quy hoạch, dẫn đến diện tích cây hồ tiêu tăng lên gần gấp đôi so với kế hoạch. Hiện nay, Tây Nguyên đã có trên 85.249 ha tiêu, trong đó Đắk Lắk có diện tích tiêu nhiều nhất với 42.562 ha (trong khi quy hoạch Đắk Lắk đến năm 2020 mới đưa diện tích tăng lên 15.000 ha).

Theo Báo Chính phủ