Tính đến cuối năm 2018, diện tích chè của Hà Giang đạt khoảng 21.700 ha, trong đó có 18.070 ha cho thu hoạch, tổng sản lượng chè búp tươi ước đạt 67.250 tấn. Diện tích chè của Hà Giang được trồng chủ yếu tại 5 huyện Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên, Hoàng Su Phì và huyện Xín Mần. Trong đó, diện tích chè cổ thụ có độ tuổi hàng trăm năm tập trung tại các xã và các huyện vùng cao, như: quần thể chè cổ thụ tại xã Cao Bồ (huyện Vị Xuyên), có diện tích trên 9,5 ha; chè cổ thụ tại xã Nậm Ty, xã Hồ Thầu…  (huyện Hoàng Su Phì), có tổng diện tích khoảng 13,4 ha; quần thể chè cổ thụ tại xã Lũng Phìn (huyện Đồng Văn), có diện tích khoảng 7,5 ha…

Xác định diện tích chè cổ thụ có độ tuổi hàng trăm năm là nguồn gen quý cần được bảo tồn. Trong những năm qua, UBND tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo các ngành chức năng triển khai công tác bảo tồn, cải tạo, nâng cao năng suất, chất lượng chè cổ thụ theo hướng an toàn.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh và Sở Nông nghiệp & PTNT, Trung tâm Khuyến nông Hà Giang đã triển khai tổ chức các lớp tập huấn về “Kỹ thuật cải tạo, nâng cao năng suất, chất lượng chè cổ thụ theo hướng an toàn” cho người dân tại các vùng có chè cổ thụ theo hình thức “cầm tay chỉ việc”. Mỗi lớp tập huấn gồm 30 học viên nông dân và thời gian tiến hành trong 06 tháng. Các hộ tham gia tập huấn được hỗ trợ 100% phân bón hữu cơ sinh học. Các học viên đóng góp ngày công và được hưởng 100% sản phẩm của mô hình.

Các học viên lớp tập huấn "Kỹ thuật cải tạo, nâng cao năng suất, chất lượng chè cổ thụ theo hướng an toàn” tại xã Nậm Ty, huyện Hoàng Su Phì

Qua kết quả của các lớp tập huấn cho thấy, diện tích chè cổ thụ thực hiện theo quy trình cải tạo, thâm canh theo hướng an toàn đều phát triển tốt, số lượng búp thu hoạch nhiều hơn, màu sắc đẹp và chất lượng búp chè được nâng lên, sản lượng búp tươi thu được bình quân đạt trên 45 tạ/ha, cao hơn so với các diện tích chè cổ thụ thông thường từ 10 – 15 tạ/ha.

Nhằm tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo tồn, cải tạo và nâng cao chất lượng của các diện tích chè cổ thụ theo hướng an toàn, tỉnh Hà Giang đã đề ra các chủ trương như: Quy hoạch các vùng sản xuất chè cổ thụ theo hướng sản xuất chè hữu cơ; đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) xây dựng, chế biến các sản phẩm chè cổ thụ; lựa chọn 6 doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh đầu tư phát triển và chế biến chè theo tiêu chuẩn chè hữu cơ, trong đó có các diện tích chè cổ thụ theo chương trình hợp tác công tư; thành lập 56 nhóm sở thích trồng chè hữu cơ; phát triển sản phẩm chè hữu cơ gắn với quản lý, khai thác hiệu quả Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm chè Shan tuyết hữu cơ của Hà Giang.

Đồng chí Thèn Đức Minh, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì cho biết: Xác định việc bảo tồn, nâng cao năng suất, chất lượng của các diện tích chè cổ thụ là một trong những nhiệm vụ quan trọng của huyện Hoàng Su Phì. Trong những năm qua, UBND huyện Hoàng Su Phì đã chỉ đạo với các ngành chuyên môn của huyện phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh tiến hành quy hoạch, bảo tồn và nâng cao năng suất, chất lượng các diện tích chè cổ thụ trên địa bàn của huyện theo hướng an toàn.

Theo báo cáo của ngành chức năng, tính đến thời điểm cuối năm 2018, trên địa bàn Hà Giang đã có 1.950 ha chè được cấp chứng nhận chè hữu cơ, trong đó có các diện tích chè cổ thụ; có 600 công ty, doanh nghiệp, HTX, các hộ kinh doanh và chế biến chế biến chè nhưng chỉ có 1 công ty cổ phần, 3 doanh nghiệp và 2 HTX chế biến các sản phẩm chè hữu cơ. Sản phẩm chè hữu cơ của Hà Giang sau khi chế biến được sử dụng tiêu dùng trong tỉnh và xuất bán nguyên liệu thô đi các tỉnh khác với giá bình quân từ 350 000 – 400 000 đồng/kg. Riêng Công ty chè Hùng Cường (huyện Vị Xuyên) thu mua búp tươi của các cây chè cổ thụ, sau đó chế biến, phân loại, đóng gói để xuất đi thị trường Mỹ và EU với giá cao.

Phạm Văn Phú

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hà Giang