Hà Giang là một tỉnh miền núi biên giới phía Bắc, có địa hình chia cắt mạnh tạo nên các tiểu vùng khí hậu khác nhau, điều đó đã tạo cho Hà Giang nhiều giống lúa đặc sản có chất lượng cao, có thể kể tới như: giống lúa Khẩu Mang (huyện Đồng Văn), lúa tẻ Già Dui (huyện Xín Mần), nếp Nàng Hương (huyện Yên Minh)… 

Các đại biểu tham quan mô hình khảo nghiệm giống lúa Khẩu Mang tại huyện Vị Xuyên

Tính đến thời điểm cuối năm 2018, tổng diện tích trồng lúa trên địa bàn Hà Giang đạt trên 37.500 ha và tổng sản lượng đạt trên 210.000 tấn. Các diện tích lúa của Hà Giang được tập trung gieo cấy tại các huyện Bắc Quang, Vị Xuyên, Quang Bình, Xín Mần, Bắc Mê, Hoàng Su Phì và Yên Minh. Tuy nhiên, trong những năm qua, quá trình canh tác lúa của Hà Giang vẫn phải dựa chủ yếu vào nguồn nước trời, nhất là tại các huyện vùng cao. Vì vậy, công tác triển khai lịch thời vụ gieo cấy gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, quá trình sản xuất các giống lúa chất lượng cao còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ; quá trình đầu tư khoa học kỹ thuật đối với các giống lúa đặc sản của tỉnh còn nhiều hạn chế; thông tin về thị trường và doanh nghiệp tham gia liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đối với các giống lúa đặc sản chất lượng cao chưa được phát triển….

Từ thực tiễn đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Giang đã giao cho Trung tâm Khoa học kỹ thuật Giống cây trồng của tỉnh triển khai Đề án “Xây dựng kế hoạch phát triển chuỗi giá trị lúa gạo chất lượng cao tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2019 – 2025”. Đề án nhằm nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích đất canh tác, góp phần nâng cao thu nhập cho những người trồng lúa, nhất là các hộ nghèo và cận nghèo, phấn đấu đưa thu nhập của người trồng lúa đạt từ 90 – 100 triệu đồng/ha/năm vào năm 2025 và đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường đối với các giống lúa chất lượng cao trong và ngoài tỉnh Hà Giang.

Để nâng cao Chuỗi giá trị lúa gạo chất lượng cao, giai đọan 2019 – 2025, các ngành chức năng của tỉnh Hà Giang đã đề ra nhiều giải pháp cụ thể như nâng cao năng lực và trình độ khoa học kỹ thuật cho người trồng lúa; tăng cường đầu tư các công trình thủy lợi nhất là các mô hình tưới tiêu có kiểm soát; đầu tư thiết bị, công nghệ chế biến và bảo quản sau thu hoạch; tiến hành đầu tư sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng mẫu lớn theo tiêu chí “5 cùng” (cùng giống, cùng thời vụ, cùng chăm sóc, cùng phòng trừ sâu bệnh và cùng thu hoạch); tập trung quy hoạch sản xuất lúa chất lượng cao và hoàn chỉnh quy trình sản xuất giống; hướng tới xây dựng một tiêu chuẩn chung cho sản phẩm lúa gạo của tỉnh… Đây cũng là mục tiêu quan trọng trong chiến lược tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, tiến tới đưa các sản phẩm lúa gạo của tỉnh, nhất là các sản phẩm lúa gạo chất lượng cao trở thành hàng hóa.

                                                                        Phạm Văn Phú

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hà Giang