Ba năm trở lại đây, người dân thôn Xuân Sơn có phong trào trồng hoa cúc để nâng cao thu nhập vào những ngày cuối năm. Dù là nghề mới nhưng trồng hoa cúc cho thu nhập khá. Hiện nay thôn có 9 hộ gia đình chuyên sản xuất hoa cúc với tổng diện tích là 1.450m2. Năm nay, các hộ chủ yếu trồng hoa cúc pha lê và cúc nhỏ với số lượng 115.400 cây, áp dụng công nghệ trồng hoa trong nhà lưới, che bạt nilon nhằm hạn chế tối đã sự ảnh hưởng xấu của thời tiết.

Ông Hồ Sỹ Thiện - một trong những hộ đi đầu trong phong trào trồng hoa cúc đón Tết sớm nhất trong xã chia sẻ kinh nghiệm: “Sau khi cải tạo đất, lên luống, bón lót đầy đủ thì đầu tháng 10 âm lịch gia đình tôi đã xuống giống để có hoa nở đúng dịp Tết. Muốn có hoa to, đẹp đúng chuẩn, tôi phải đặt mua giống tận nhà vườn ở Đà Lạt. Khi cây hoa còn nhỏ phải thường xuyên làm cỏ, xới xáo, vun quanh gốc và giữ ẩm cho cây bằng cách tưới phun mưa. Khi cây đã được 40 ngày tuổi thì chỉ tiến hành nhổ cỏ, hạn chế xới xáo. Gần Tết nếu trời quá lạnh, người trồng cần dùng bạt bao quanh nhà lưới, sử dụng bóng điện thắp sáng cả ngày để tăng nhiệt độ môi trường, kích thích hoa nở như mong muốn”.

Theo ông Bùi Quốc Sơn - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT&BVCTVN huyện Thạch Hà, cho biết: Cúc là loài hoa cần có chế độ chăm sóc khá cầu kỳ, công phu và phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện thời tiết. Đó là lý do mặc dù cho thu nhập cao hơn nhiều so với những loại cây truyền thống khác nhưng vẫn ít gia đình có thể trồng hoa cúc được. Cúc là cây trồng cạn, không chịu đ­ược úng nên phải tránh trồng nơi thấp trũng và ứ nước. Lượng nước tưới nên vừa phải để giữ ẩm, không tưới quá nhiều làm cho hoa bé và xấu, đất mùn bị rửa trôi, nước không kịp thoát dẫn đến bệnh vàng lá...

Bón phân cho hoa cúc cần đầy đủ và cân đối. Nếu bón thiếu cây sẽ bị còi cọc và hoa nở, dễ bị sâu bệnh phá hoại. Nếu bón thừa phân thân cây sẽ vống cao, lá nhiều, dễ bị đổ, khả năng chống chịu kém. Các loại phân chính cần cho hoa cúc gồm: phân chuồng, phân bắc, phân đạm, lân, kali, phân vi sinh, phân vi lượng... Để hoa cúc có màu sắc đẹp, tươi đặc trưng thì nên bón thêm phân kali và  magnesium sulfate heptahydrate lúc nụ hoa vừa mới nhú. Còn đến khi cây ra hoa rồi thì tuyệt đối không tưới phân lên cánh hoa.

Thời tiết năm nay khá bất lợi cho việc trồng hoa, mưa rét kéo dài nhiều ngày liên tục nhưng nhờ hoa được trồng trong hệ thống nhà lưới và công tác phòng trừ sâu bệnh thường xuyên nên tất cả diện tích trồng hoa trong thôn đều sinh trưởng, phát triển tốt. Còn một tháng nữa là đến tết, các hộ dùng bóng điện loại 100w treo cách ngọn cây hoa cúc khoảng 50 - 60 cm (luôn thay đổi chiều cao dây treo bóng theo độ lớn của cây) với mật độ 1 bóng/10m2. Hàng ngày chiếu sáng từ 22 giờ đêm đến 2 giờ sáng. Chiếu sáng liên tục trong thời gian khoảng 1 tháng sẽ làm cho cây không phân hóa mầm hoa và nở sớm. Nếu dự tính sẽ nở muộn so với Tết thì phải hãm khô, ngừng cung cấp nước đột ngột. Khi thực hiện gặp trời mưa thì có thể xới xáo nhẹ, làm đứt 10-15% bộ rễ để cây chuyển hẳn sang giai đoạn thực ra hoa

Năm nay, các hộ dự kiến sẽ bắt đầu thu hoạch và bán hoa cúc từ 23 tháng Chạp với giá bán 3.500 - 4.000 đồng/cành. Năm ngoái, gia đình anh Bùi Công Trình chỉ có diện tích 355m2 trồng hoa cúc, sau khi trừ chi phí đã thu được 10 triệu đồng, là con số rất lớn giúp nâng cao thu nhập cho hộ dân trong những ngày cuối cùng của năm.

Đời sống tinh thần ngày càng cao nên nhu cầu mua hoa Tết ngày càng nhiều. Trồng hoa cúc phục vụ những ngày Tết giúp bà con thôn Xuân Sơn, xã Bắc Sơn, huyện Thạch Hà nâng cao đời sống mỗi dịp tết đến xuân về./.

Tham quan vườn trồng hoa cúc của một hộ dân ở thôn Xuân Sơn

Hà Thanh