Với lợi thế có bề dày về truyền thống nghề làm nước mắm, cộng với nguồn hải sản dồi dào cùng lực lượng lao động nữ đông đảo tại địa phương là một trong những yếu tố để Tổ hợp tác (THT) Chế biến thủy hải sản Phú Khương gồm 8 thành viên ra đời vào năm 2012. Từ quy mô sản xuất 20 tấn cá vào năm đầu, sau 2 năm con số đó đạt mức trên 100 tấn cá/năm. Sản phẩm của THT được đông đảo khách hàng trong, ngoài tỉnh đón nhận.

Để đáp ứng yêu cầu phát triển, năm 2015, THT đã chuyển đổi thành mô hình HTX và mở rộng quy mô sản xuất. Nếu như năm 2012, tổng sản lượng nước mắm đạt 9.000 lít, thì sau 5 năm tiếp cận thị trường, HTX đã đạt mức sản xuất 80.000 lít. Tuy nhiên năm 2016, sự cố môi trường biển xảy ra, suốt một năm trời HTX không mua được nguyên liệu và cũng không tiêu thụ được sản phẩm. Các thành viên và hơn chục lao động của HTX rơi vào tình cảnh thiếu việc làm, mất thu nhập. Đến năm 2017, khi môi trường biển hồi phục, thị trường tiêu thụ có tín hiệu mới, cùng với đó là những chính sách bồi thường sự cố, HTX Thu mua và Chế biến thủy sản Phú Khương đã lấy lại đà phát triển. Cuối năm 2017, với 2.200 lít nước mắm và 10 tấn sản phẩm khô được tiêu thụ, HTX đạt doanh thu 6 tỷ đồng, cao nhất từ trước tới nay.

Thương hiệu nước mắm Phú Khương đã được khẳng định trên thị trường

Giám đốc HTX nước mắm Phú Khương, Lê Thị Khương chia sẻ: “Để sản xuất ra thành phẩm, phải thực hiện qua nhiều bước, từ khâu cất trữ muối trên 2 năm, khâu chọn cá, xử lý cá đến chế tác sản phẩm rồi đóng chai và bảo quản… Bất cứ công đoạn sản xuất nào, HTX cũng chú ý thực hiện đúng yêu cầu kỹ thuật, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Bên cạnh đó, nhãn mác, bao bì cũng là yếu tố quyết định giá trị sản phẩm hàng hóa. Trên bao bì có ghi rõ ngày sản xuất và hạn sử dụng, địa chỉ, thành phần để người tiêu dùng nhận diện… Đặc biệt, để tăng thêm vị thơm ngon, hấp dẫn cho sản phẩm, chúng tôi đã sử dụng hoàn toàn thính rang từ gạo. Chính vì thế, nước mắm Phú Khương có mùi vị thơm ngon rất đặc trưng”.

Tuy sản phẩm đã có được chỗ đứng trên thị trường, song điều khiến các thành viên HTX băn khoăn là thời tiết thất thường, ảnh hưởng rất lớn đến quá trình chế biến, sản xuất. Năm 2015, HTX đã đầu tư hệ thống sản xuất nước mắm ứng dụng công nghệ pin năng lượng mặt trời; về cơ bản vẫn giống như quy trình làm nước mắm truyền thống, chỉ khác là quá trình đảo, rang phơi được thực hiện bằng nguồn nhiệt thu được từ các tấm pin năng lượng mặt trời. Ưu điểm nổi trội của công nghệ sản xuất nước mắm bằng năng lượng mặt trời đó là giảm một nửa thời gian sản xuất; công đoạn sản xuất sẽ bỏ qua việc mở nắp thùng ủ nên không bay hơi, chất lượng nước mắm vì vậy sẽ ngon hơn và đỡ tiêu hao hơn nhiều. Theo tính toán, lượng nước mắm cốt thu được nhiều hơn 30% so với công nghệ sản xuất nước mắm truyền thống và được chuyển hóa tối đa do nhiệt độ đạt ở mức tối ưu.

Hiện nước mắm Phú Khương chủ yếu đang bán lẻ thông qua các đại lý, cửa hàng nông sản của Hội Nông dân, các chợ trên địa bàn huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh. Với việc môi trường sản xuất luôn được bảo vệ, HTX  được chứng nhận đạt vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường. Đây chính là điều kiện để sản phẩm nước mắm của HTX khẳng định chất lượng và được tiêu thụ rộng rãi.

Nhằm mở rộng quy mô sản xuất và từng bước xây dựng thương hiệu trên thị trường, Hợp Tác xã nước mắm Phú Khương vừa khai trương khu chế biến trên diện tích 6.000 m2 ở thôn Xuân Phú, đồng thời lắp đặt 30 bệ nước mắm bằng tấm năng lượng mặt trời tự đảo, mỗi bệ chứa 2 tấn cá, mỗi năm cho 1.000 lít nước mắm. Theo kế hoạch, những năm tới HTX Chế biến nước mắm Phú Khương phấn đấu mở rộng quy mô kho đông lạnh thu mua hải sản, hướng tới đưa sản phẩm vào bán ở những siêu thị lớn trong và ngoài tỉnh. Nhờ hoạt động hiệu quả, HTX là một trong những đầu mối thu mua, tiêu thụ hải sản với số lượng lớn nhất cho ngư dân trên địa bàn. Dự kiến, sản lượng thu mua, chế biến từ năm 2019 trở đi của HTX là trên 300 tấn thủy sản mỗi năm.

Theo ông Nguyễn Xuân Lĩnh, Chủ tịch UBND xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh: Đây thực sự là mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao và có tác động rất lớn về mặt xã hội. Bên cạnh tạo công ăn việc làm,  tăng thu nhập, giúp đời sống các thành viên ổn định, việc mở rộng quy mô sản xuất còn tạo sự phát triển bền vững cho làng nghề có truyền thống chế biến thủy hải sản lâu đời, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội, từng bước xây dựng nông thôn mới.

Với những thành công đó, năm 2016, nước mắm Phú Khương vinh dự được vinh danh sản phẩm tiêu biểu của tỉnh. Đặc biệt, hiện nay, nước mắm Phú Khương đã được chọn để triển khai chương trình sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm) của tỉnh nhà./.

Nguyễn Hoàn

Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh