Theo ông Lê Sỹ Tín - Chủ tịch UBND xã Thanh Bính cho biết: Xã Thanh Bính là xã thuần nông, nông dân trong xã chủ yếu trồng cây ăn quả. Toàn xã Thanh Bính có 268,1ha trồng vải. Do vải thiều chính vụ chỉ tập trung thu hoạch vào một thời điểm nhất định và phụ thuộc nhiều vào điều kiện nhiệt độ thấp để phân hóa mầm hoa, do đó thường hay ra quả cách năm, năm được mùa thường mất giá. Bởi vậy, các cấp đảng bộ và chính quyền nhân dân xã Thanh Bính quán triệt và chỉ đạo người dân cần tập trung cho sản xuất vải sớm, trong đó diện tích vải cực sớm như u trứng trắng, u trứng gai, u trứng dây chiếm khoảng 20% diện tích; 60% diện tích u hồng chín sớm; 20% còn lại là tàu lai và vải chính vụ; để vừa đảm bảo không bị mất mùa mà vải sớm bán được giá cao hơn.

Anh Phạm Văn Hoan bên vườn vải u hồng của gia đình

Anh Phạm Văn Hoan, một nông dân tiêu biểu trong sản xuất vải sớm của xã Thanh Bính, cho biết: Để có năng suất vải sớm cao và ổn định thì vải sớm cũng cần phải chăm bón kịp thời, nhất là việc cắt tỉa cành đúng thời điểm để lấy 2- 3 đợt lộc thu, kết hợp với bón phân. Bên cạnh đó, việc khoanh cắt vỏ là rất quan trọng cho phân hóa mầm hoa năm sau. Thông thường, sau khi thu hoạch quả xong khoảng 1 tháng thì anh tiến hành cắt cành, kết hợp với bón phân NPK lần đầu khoảng 50% tổng lượng bón cho 1 năm. Đến tháng 8 âm lịch thì tiến hành khoanh vỏ cành lộc, tùy theo mức độ sinh trưởng và màu sắc lá để quyết định mức độ khoanh nông hay sâu, một vòng hay hai vòng. Khi vải phân hóa mầm hoa thì tiếp tục bón phân NPK và phun phân bón lá. Bón phân NPK lần cuối khi quả vải được 2/3 cùi.

Nhờ chủ trương và định hướng đúng đắn của chính quyền địa phương mà 3 – 5 năm trở lại đây, nông dân trồng vải trong xã Thanh Bính luôn được mùa, được giá.

Nguyễn Quang Toàn

TT Khuyến nông Hải Dương