Nông dân huyện Phụng Hiệp vui mừng vì thu hoạch mía đầu vụ bán được giá cao.

Đúng như dự đoán của các nhà máy đường là giá mía đầu vụ năm nay sẽ tăng cao do diện tích mía nguyên liệu cả vùng đồng bằng sông Cửu Long trong niên vụ này giảm mạnh. Bên cạnh đó, lượng đường tồn kho tại các nhà máy còn ít, giá đường trên thị trường gần đây nhích lên, nhu cầu tiêu thụ tăng mạnh, nhất là vào dịp cuối năm.

Phấn khởi với giá mía

Gặp chúng tôi khi đang cân mía cho thương lái, ông Nguyễn Hải Đăng, ở ấp Mỹ Thuận 2, xã Phụng Hiệp, cho biết: “Gia đình vừa thu hoạch xong 5 công mía (giống ROC 16), năng suất khoảng 12 tấn/công, bán với giá 1.250 đồng/kg, sau khi trừ chi phí còn lợi nhuận khoảng 5 triệu đồng/công. Do giá mía đầu vụ đạt mức cao nhất trong nhiều năm qua, nông dân có lợi nhuận khá nên ai nấy đều phấn khởi khi bán mía vào thời điểm này”. 

Theo nhận định của ông Đăng, giá mía cao một phần do thị trường, mặt khác là do các rẫy mía nơi đây đều là giống ROC 16 nên đã trên 12 tháng tuổi. Hiện chữ đường (CCS) được các thương lái thông tin lại đạt hơn 12 CCS. Từ đó, cánh thương lái rất yên tâm khi lấy mía tại vùng này đem ra cho nhà máy đường. 

Cùng niềm vui khi vừa bán xong 3 công mía (giống ROC 16) với giá 1.100 đồng/kg, ông Nguyễn Thành Nhiên, ở ấp Quyết Thắng B, xã Hiệp Hưng, tươi cười nói: “Đây là năm thứ hai liên tiếp, bà con trồng mía xứ này hưởng được niềm vui mía “ngọt”. Vì lợi nhuận thu được từ 50-60 triệu đồng/ha (hộ có năng suất 120-130 tấn/ha), riêng hộ nào trồng mía trúng với năng suất 200 tấn/ha thì mức lợi nhuận còn cao hơn nhiều”. 

Ngoài phấn khởi về giá bán, ông Nhiên cùng nhiều hộ trồng mía tại xã Hiệp Hưng còn cảm thấy bất ngờ khi lần đầu tiên thương lái thương lượng một hình thức mới trong thu mua mía. Đó là thương lái tự kiếm và trả tiền nhân công đốn, chủ mía chỉ đứng xem cân rồi tính tiền nên không phải tốn thêm chi phí nào khác. Mặc dù bán với hình thức này, bà con phải chịu giá thấp hơn khoảng 150 đồng/kg so với hộ tự kiếm người đốn, nhưng đa phần nông dân đều đồng ý. 

“Trường hợp này chỉ xảy ra khi bán theo hình thức đếm mía chục nay lại chuyển sang mía nguyên liệu, do sự cạnh tranh để thu mua được sản phẩm của các thương lái trước tình hình giá cả đang thuận lợi. Tuy giá thấp hơn một chút nhưng tính ra bà con không lỗ, nhất là không lo áp lực nhân công ngày một khan hiếm như hiện nay”, ông Nhiên lý giải. 

Mặc dù giá mía đang ở mức cao và cho khoản lợi nhuận hấp dẫn, nhưng tình hình thu hoạch mía trên địa bàn huyện Phụng Hiệp không mấy sôi động. Bởi không ít nông dân có ý định neo mía chờ giá dù đã đến ngày thu hoạch. Chỉ tay về rẫy mía đã 12 tháng tuổi, anh Nguyễn Vĩnh Tường, một trong những hộ chưa muốn bán mía vào lúc này, ở ấp Quyết Thắng, xã Hiệp Hưng, chia sẻ: “Đã có một số thương lái đến hỏi mua 8 công mía (giống ROC 16) của gia đình, với giá 1.200 đồng/kg nhưng vì thấy không có lũ và mức giá còn thấp nên tôi chưa vội bán, mà đợi ít bữa nữa xem có lên được đồng nào hay đồng đó”.   

Tranh giành vùng nguyên liệu 

Trước khi vào vụ ép, các nhà máy đường trong tỉnh cũng lo ngại về tình trạng tranh giành nguồn mía nguyên liệu khi vào vụ sản xuất, bởi diện tích mía niên vụ năm nay của toàn vùng ĐBSCL, trong đó có Hậu Giang giảm hơn 5%. Ngoài ra, thị trường giá đường hiện đang hấp dẫn với giá bán tại các nhà máy trên 15.000 đồng/kg, cao khoảng 2.000 đồng/kg so với cùng kỳ. Chính vì vậy, tranh thủ giá đường cao, hiện các nhà máy đường đang tìm mọi cách để có nguồn mía nguyên liệu đưa về nhà máy để sản xuất nên đã xảy ra tình trạng tranh giành mía nguyên liệu trong dân. 

Có mặt tại vùng mía xã Hiệp Hưng, nơi được UBND tỉnh phân cho Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) đầu tư, bao tiêu và thu mua, nhưng chúng tôi nhận thấy có không ít “cò” mía của Công ty TNHH Mía đường cồn Long Mỹ Phát (Lusuco) đến đưa phiếu đốn mía cho các thương lái đang mua mía nơi đây để chở về nhà máy của công ty. Bà Võ Thị Phết, một thương lái vừa được “cò” mía của Lusuco đưa phiếu, cho hay: “Tôi định cân chút nữa cho đầy ghe (trên 30 tấn) rồi chở mía về Nhà máy đường Phụng Hiệp (thuộc Casuco) để bán, bất ngờ có người đến xem mía rồi đề nghị mua xô với giá 1.330 đồng/kg nếu đưa về Lusuco. Thấy giá cao mà chỉ cân xô không đo CCS nên tôi chấp nhận lấy phiếu và sẽ chở mía về cho Lusuco”. 

Cũng theo bà Phết, đây không phải là trường hợp đầu tiên mà những ngày qua, bà thường xuyên nhận nhiều cuộc điện thoại từ cánh thương lái mua mía thông báo là phía Lusuco đang tiếp nhận mía theo hình thức cân xô với giá cao. Trên thực tế đã có nhiều thương lái mua mía ở xã Hiệp Hưng và Tân Phước Hưng chở mía về đó. 

Theo nhận định của cánh thương lái mua mía, ngoài yếu tố giá đường trên thị trường, việc xảy ra tình trạng giành mía nguyên liệu đang trở nên căng thẳng còn do nhà máy đường đang gặp khó trong việc khan hiếm nguồn mía nguyên liệu. Hiện các nhà máy đường trong tỉnh vào vụ sản xuất, trong đó Lusuco vào vụ ngày 10-9, còn Casuco vào vụ ngày 28-9 vừa qua; chưa kể giống mía ROC 16 tại một số khu vực đã đến ngày thu hoạch, tuy nhiên tình trạng người dân chưa chịu bán mía trong lúc này mà cố gắng chờ giá lên đã làm cho nguồn mía nguyên liệu cung ứng về cho các nhà máy đường ngày một ít. 

Ông Nguyễn Hoàng Ngoan, Phó Tổng Giám đốc Casuco, cho hay: Từ khi bắt đầu vào vụ ép đến nay, mỗi ngày, hai nhà máy đường thuộc Casuco chỉ tiếp nhận từ 1.000-1.200 tấn mía cây, trong khi công suất ép của mỗi nhà máy là 3.000 và 3.500 tấn mía cây/ngày. Dự kiến trong một đến hai ngày tới sẽ không còn mía để ép. Do đó, lãnh đạo công ty quyết định từ ngày 6 hoặc 7 tới đây, hai nhà máy đường của Casuco sẽ tạm ngưng hoạt động để chờ mía và dự kiến đến ngày 15-10 sẽ ép lại. 

Như vậy, đây là năm thứ hai liên tiếp, người trồng mía trên địa bàn tỉnh được hưởng niềm vui mía đầu vụ bán được giá cao. Khả năng tình trạng tranh giành mía nguyên liệu vẫn còn diễn ra khi chính sách thu mua giữa các nhà máy đường chưa có sự thống nhất. Thế nhưng, việc nhiều nông dân còn “neo” mía chờ giá cũng đặt ra nhiều lo ngại. Bởi khi thiếu hụt nguồn mía, các nhà máy đường tiếp tục tạm ngưng hoạt động thì mía quá ngày thu hoạch sẽ trổ cờ, làm giảm năng suất và chữ đường, khi đó người dân sẽ bị thiệt thòi… 

Đến thời điểm này, nông dân trên địa bàn tỉnh đã thu hoạch hơn 1.500ha trong tổng số gần 10.900ha mía đã xuống giống, năng suất bình quân từ 105-115 tấn/ha. Ghi nhận tại vùng mía huyện Phụng Hiệp trong những ngày qua cho thấy, hiện thương lái cân mía tại rẫy với giá dao động từ 1.100-1.300 đồng/kg, tăng 300 đồng/kg so với cùng kỳ.

Theo Báo Hậu Giang