Ngược dòng thời gian tìm hiểu, cây nhãn Hương Chi được đưa về Sơn Thủy từ năm 1989. Người có công đầu trong việc đưa cây nhãn về đồng đất xã Sơn Thủy là ông Bùi Văn Lực, hiện là Bí thư Đảng ủy xã. Lần đầu tiên trên địa bàn xã có diện tích trồng nhãn được áp dụng quy trình kỹ thuật thâm canh với 2,5ha. Mặc dù vậy trong suốt khoảng 20 năm sau đó do gặp nhiều trở ngại như thị trường, giá cả bấp bênh, vốn đầu tư và kiến thức thâm canh của người sản xuất còn nhiều hạn chế, tính lan tỏa trong cộng đồng chưa sâu rộng,... Vì vậy diện tích nhãn tăng chậm, đến năm 2010 cả xã mới chỉ đạt 38 ha.

Trong 5 năm trở lại đây, những khó khăn trên dần được tháo gỡ, nhận thức của cán bộ và người trồng nhãn có những thay đổi tích cực. Bên cạnh đó có sự giúp đỡ hiệu quả của chính quyền các cấp và các cơ quan chức năng trong việc hỗ trợ sản xuất, xây dựng thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm, nhờ đó diện tích nhãn của xã Sơn Thủy đã tăng mạnh. Đến nay tổng diện tích trồng nhãn của xã đã lên tới 136 ha, trong đó diện tích kinh doanh cho quả là 80 ha với năng suất trung bình đạt 15 tấn/ha. Năm 2019, do thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng gay gắt triền miên, sản lượng nhãn Sơn Thủy ước đạt 400- 500 tấn (giảm khoảng 50% so với năm 2018).

Người dân Sơn Thủy giờ quý đất như vàng, nhà nào cũng thi đua chăm chỉ vun trồng cho nhãn tốt tươi. Nhãn được trồng tập trung ở các xóm Khoang, Lốc. Người dân chủ yếu trồng giống nhãn Hương Chi. Giống nhãn này được nhân giống tại đất Hưng Yên nhưng rất phù hợp với khí hậu, đồng đất Sơn Thủy. Với đặc điểm quả to, vỏ mỏng, cùi dày, ngọt dịu, thu hút khách hàng gần xa. Năm nào cũng vậy vào thời điểm từ giữa tháng 7 bà con nông dân trong xã lại tất bật thu hoạch nhãn. Năm 2019 tuy sản lượng thấp hơn năm 2018 nhưng bù lại giá bán lại cao hơn. Đầu vụ nhãn được bán với giá 35- 40.000 đồng/kg; giữa vụ khoảng 20.000 đồng/kg.

Đồng chí Bùi Văn Lực, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Năm 2016, nhãn Sơn Thủy được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Đồng thời, 34 ha nhãn của 41 hộ thành viên HTX dịch vụ nông nghiệp Sơn Thủy được Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật trao giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP. Nhờ đó, cây trồng này ngày càng có tiếng trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Xã đang triển khai chương trình trồng nhãn sạch theo tiêu chuẩn VietGAP để giữ được thương hiệu trên thị trường và đảm bảo phát triển bền vững. Sau khi chương trình trồng nhãn VietGAP hoàn thành, xã sẽ triển khai tiếp chương trình đăng ký mã số, mã vạch để truy suất nguồn gốc nhằm giữ uy tín lâu dài, góp phần nâng cao thu nhập cho các gia đình.

Hiệu quả kinh tế của việc phát triển nhãn Sơn Thủy đã được chứng minh trong thực tế. Các hộ trồng nhãn đều quan tâm chú trọng học hỏi kỹ thuật, tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật một cách tự giác nên trình độ thâm canh ngày càng được nâng cao, cây nhãn ngày càng phát triển tốt, chất lượng sản phẩm tương đối đồng đều. Nhờ vây mà hiệu quả kinh tế cao hơn, giúp nhiều hộ trở lên khá giả.

Bà Bùi Thị Chiến ở xóm Khoang là một trong những hộ đầu tiên đưa cây nhãn Hương Chi về trồng tại xã, chia sẻ: “Nhãn năm nay được giá. Đầu vụ, gia đình bán 35.000 đồng/kg. Nhà tôi trồng khoảng 2 ha giống nhãn Hương Chi. Gia đình luôn tuân thủ quy trình kỹ thuật về chăm sóc, phòng, chống sâu bệnh, kích thích ra hoa, đậu quả, nên cây nào cũng sai trĩu. Vụ này, dự kiến thu hoạch 15- 20 tấn quả. Cứ vào vụ là thương lái từ Hà Nội, Hải Dương, Nghệ An… tấp nập đến thu mua. Đã 21 năm trồng nhãn, nhưng chưa bao giờ chúng tôi lo khó tiêu thụ”.

Nhãn Hương Chi năm nay được giá

Không ngừng nâng cao mẫu mã, chất lượng sản phẩm là mục tiêu mà gia đình anh Bùi Văn Dũng, PGĐ HTX dịch vụ nông nghiệp Sơn Thủy nói riêng, các thành viên HTX nói chung hết sức quan tâm. Anh Dũng cho biết: “Gia đình có hơn 2.000m2 trồng nhãn, năm nay cho sản lượng khoảng 7 - 8 tấn. Thực tế qua nhiều năm cho thấy, cây nhãn có thu nhập cao hơn nhiều so với trồng màu, tuy nhiên lại đòi hỏi tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật và khâu chăm sóc để đảm bảo quả to, đều, mẫu mã đẹp, ngọt sắc. Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường cạnh tranh, gia đình đã đầu tư sản xuất theo quy trình VietGAP, trong đó, thực hiện chặt chẽ việc ghi sổ nhật ký đầy đủ, ngày nào bón phân, phun thuốc, lượng thuốc, thời gian cách ly trước khi cung cấp ra thị trường... Chúng tôi đang hướng tới sản phẩm có mã QR, mã vạch để khi người tiêu dùng “check-in” bằng điện thoại là biết được nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. Việc làm này nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường ngày càng khó tính và mong thời gian tới phẩm sản nhãn Sơn Thủy có thể xuất khẩu để mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn”.

Với việc chuyển đổi cây trồng đúng hướng là điều kiện để bà con nông dân Sơn Thuỷ nói riêng, nông dân các xã trên địa bàn huyện Kim Bôi nói chung tiếp tục duy trì, nhân rộng mô hình và mạnh dạn chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện, môi trường canh tác, góp phần tăng thu nhập, phát triển kinh tế  hộ và đẩy mạnh kinh tế xã hội địa phương./.

Thanh Hằng

Trung tâm Khuyến nông Hòa Bình