Công tác xây dựng, bảo hộ thương hiệu có bước tiến tích cực, đã có 01 chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm Cam Cao Phong; có 21 nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể. Nhiều nhãn hiệu được bảo hộ đã góp phần tích cực đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng như: bưởi đỏ Tân Lạc, gà Lạc Thủy, cá sông Đà - Hòa Bình, tôm sông Đà - Hòa Bình, rau hữu cơ Lương Sơn, mật ong Hòa Bình...

Một số nông sản chủ lực của tỉnh đã vào được hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại lớn như: Sản phẩm Cam Cao Phong được tiêu thụ tại siêu thị Big C, HaproMart và được đưa lên hạng thương gia của hãng hàng không Vietnam Airline; sản phẩm bưởi đỏ Tân Lạc đã vào được hệ thống siêu thị BigC, T Mart, Trung tâm thương mại V+; sản phẩm cá sông Đà vào hệ thống siêu thị Big C, Vinmart, Qmart, Coop Mark, Lotte; rau su su Tân Lạc, rau hữu cơ Lương Sơn vào hệ thống các siêu thị Fivimart, các cửa hàng thực phẩm sạch Biggreen, bác Tôm...

Hòa Bình đã quan tâm xây dựng và vận hành Cổng thông tin điện tử truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm (HB.CHECK.NET.VN), là bước đầu để phát triển thương mại điện tử. Đến nay đã có 72 doanh nghiệp và Hợp tác xã với 400 sản phẩm được quảng bá trên hệ thống và trên 08 triệu tem truy xuất nguồn gốc để gắn lên các sản phẩm nông sản.

Ngoài tiêu thụ tại thị trường trong nước thì một số doanh nghiệp, hợp tác xã đã và đang nghiên cứu thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu như: Công ty TNHH Pacific xuất khẩu sang Nhật đối với các loại sản phẩm là dưa chuột, lá ớt, gừng muối với sản lượng 1.900 tấn/năm (giá trị gần 2 triệu USD); Công ty cổ phần Nông lâm sản Kim Bôi xuất khẩu sang Trung Quốc và Châu Âu với khoảng 100 tấn măng, 2 tấn miến, 5 tấn phở khô/năm; Công ty TNHH một thành viên Tân Hiếu Hưng xuất khẩu sang Trung Quốc với số lượng 15.000 tấn tinh bột sắn/năm (giá trị hơn 5 triệu USD); Công ty cổ phần Sơn Thủy xuất khẩu sang Hàn Quốc khoảng 10.000 m3 gỗ ép/năm; năm 2020 đã có 120 tấn nhãn Sơn Thủy của huyện Kim Bôi và 180 tấn chuối của thành phố Hòa Bình được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Một số sản phẩm đang có triển vọng xuất khẩu như: chuối, nhãn, xả, rau, quả, măng, ngũ cốc và sản phẩm chế biến từ sắn, gỗ...

Tuy nhiên tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh Hòa Bình và toàn quốc, một số sản phẩm nông sản đang trong giai đoạn thu hoạch có xu hướng tiêu thụ chậm như:

- Việc tiêu thụ bí xanh: Hiện diện tích đang sản xuất vụ đông xuân là 1.500 ha, sản lượng 30.000 tấn, giá thấp hơn mọi năm, hiện đang là 2.500-3.000 đồng/kg (giá bán các năm trước khoảng 5.000 - 6.000 đồng/kg, thương lái thu mua mạnh để bán ra thị trường các tỉnh và xuất sang bên Trung Quốc). Riêng đối với diện tích bí xanh sản xuất theo quy trình VietGAP của 02 Hợp tác xã đã tiêu thụ hết với sản lượng khoảng 300 tấn (quy mô 130 ha).

 - Tiêu thụ rau su su huyện Tân Lạc: Diện tích sản xuất 56,9 ha, sản lượng thu hoạch khoảng trên 15 tấn/1 ngày, đã có có khoảng 11 đơn vị thu mua, lượng tiêu thụ chỉ được khoảng 40% tổng sản lượng/ngày, giá cả thu mua chỉ được 2.000 đồng/kg.

- Tiêu thụ thịt gà (gà Lạc Sơn, gà Lạc Thủy): Việc tiêu thụ chậm hơn hàng năm do việc lưu thông hàng hóa bị hạn chế và sức tiêu thụ của người tiêu dùng có giảm, tuy nhiên giá bán vẫn ổn định, không bị xuống giá (gà lông có giá 80.000 đồng/kg)

- Tiêu thụ cá sông Đà: Việc tiêu thụ có chậm hơn và sản lượng giảm 20-30% do việc đóng cửa các nhà hàng, khách sạn, siêu thị nên sản lượng cá sông Đà cung cấp ra thị trường giảm, đồng thời để kích cầu tiêu thụ các cơ sở có giảm giá bán từ 10-15%.

- Việc xuất khẩu nông sản: Hiện tại Hòa Bình đã có Hợp tác xã trồng chuối đạt chứng nhận VietGAP và cấp mã số vùng trồng và xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, sản lượng hàng năm đạt 800 - 1000 tấn. Thời gian qua do ảnh hưởng của dịch COVID - 19 mới xuất khẩu được 150 tấn, giá bán giảm còn 4000 đồng/kg so với  đầu năm là 8000 đồng/kg. Một số doanh nghiệp có sản phẩm chế biến như: măng, miến xuất sang thị trường Châu Âu, chè xuất sang thị trường Trung Quốc cũng giảm về sản lượng khoảng 20% do các đối tác giảm về đơn hàng và yêu cầu giảm giá bán sản phẩm.

Trước thực trang trên, ngày 11/6/2021 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình phối hợp với Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã tổ chức hội nghị về các giải pháp nâng cao chất lượng và đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021 - 2025.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, nêu lên thực trạng sản xuất, tiêu thụ nông sản của tỉnh; những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ. Đồng thời đề xuất một số các giải pháp để bảo đảm cân đối cung cầu thị trường, thúc đẩy liên kết doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn tiêu thụ cho các sản phẩm nông sản, giảm thiểu thiệt hại về kinh tế cho doanh nghiệp, bà con nông dân trước tác động của dịch bệnh; Xây dựng định hướng kế hoạch cho giai đoạn 2021 – 2025.

Hà Cao

Trung tâm Khuyến nông Hòa Bình