Việt Nam là nước đứng thứ 7 về sản xuất chè toàn cầu, xuất khẩu chè sang 61 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng thứ 5 về xuất khẩu chè. Sản lượng chè xanh của Việt Nam hiện đứng thứ 2 trên thế giới, sau Trung Quốc.

Đối với mặt hàng cà phê, Việt Nam xuất khẩu cà phê sang 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng thứ hai thế giới. Riêng với cà phê robusta, Việt Nam là nước xuất khẩu nhiều nhất.

Trung Quốc có lịch sử uống trà hơn 3000 năm, là nước sản xuất và tiêu thụ trà lớn thế giới, cũng là nước nhập khẩu trà lớn thứ hai thế giới. Trung Quốc lại là một thị trường lớn với truyền thống nhập khẩu nông sản Việt Nam. Xu hướng tiêu thụ chè và cà phê của Trung Quốc ngày càng tăng cao, tuy nhiên Trung Quốc mới chỉ là thị trường nhập khẩu xếp thứ 12 về cà phê và thứ 4 về chè của Việt Nam.

Toàn cảnh Diễn đàn

Để tăng cường sự hợp tác trong phát triển sản xuất, chế biến và thương mại chè và cà phê giữa hai nước, Diễn đàn quốc tế về sản xuất và tiêu thụ chè, cà phê Việt Nam – Trung Quốc đã được tổ chức vào ngày 14/10/2019 tại Hà Nội. Sau phần phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Nông nghiệp &PTNT Việt Nam Nguyễn Xuân Cường và Bộ trưởng Nông nghiệp Nông thôn Trung Quốc Hàn Trường Phú bước vào hội đàm riêng về chương trình hợp tác.

Tại phần thảo luận, các đại biểu đến từ các cơ quan nhà nước, các địa phương, doanh nghiệp hai nước đã trao đổi về tình hình sản xuất, chế biến  và thương mại sản phẩm chè, cà phê của mình; Trao đổi, học tập kinh nghiệm để có định hướng, giải pháp thúc đẩy sản xuất, chế biến chè, cà phê nhằm đáp ứng yêu cầu, thị hiếu của thị trường hai nước. Qua diễn đàn, các địa phương, doanh nghiệp của cả hai nước có cơ hội tìm hiểu thông tin, tăng cường liên kết trong sản xuất, cung cấp nguyên liệu phục vụ chế biến, liên kết trong phát triển thị trường tiêu thụ, đảm bảo lợi ích chung của cả hai Bên.

Các đại biểu thưởng thức trà Việt Nam bên lề Diễn đàn

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cho biết, tỉnh đã xây dựng vùng sản xuất nguyên liệu chè búp tươi với quy mô lớn, sản lượng chè búp tươi trên 230.000 tấn/năm, đứng đầu cả nước về sản xuất chè. Tỉnh đã tích cực chuyển đổi cơ cấu giống (đến nay tỷ lệ giống mới đạt 74,2 % tổng diện tích); đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, áp dụng quy trình sản xuất chè an toàn, sản xuất theo hướng hữu cơ, thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP), đáp ứng tiêu chuẩn về an toàn trong nước và quốc tế. Do đó, chất lượng, giá trị của chè Thái Nguyên ngày càng nâng cao. Tỉnh cũng đặc biệt chú trọng xây dựng thương hiệu chè Thái Nguyên với nhiều hoạt động quảng bá trong và ngoài nước. Sản xuất chè ở Thái Nguyên có nhiều điểm tương đồng với sản xuất chè của Trung Quốc. Diễn đàn lần này giúp tỉnh và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chè tìm hiểu thông tin, cơ hội hợp tác với nước bạn Trung Quốc nhằm nâng cao giá trị cây chè Việt Nam.

Đại diện Tập đoàn Sunwah - đơn vị thành lập hai công ty về cà phê tại Việt Nam  đã chia sẻ về định hướng phát triển kinh doanh của mình. Theo đó, Sunwah tập trung đa dạng hóa sản phẩm với giá ưu thế hơn so với giá thị trường. Ngoài những thị trường lớn như Âu, Mỹ, Sunwah tập trung phát triển kinh doanh trên thị trường Trung Quốc, hợp tác với các đối tác Trung Quốc quảng bá sản phẩm đạt chất lượng quốc tế ra thị trường thế giới, hướng tới là cầu nối vững chắc trong giao thương nông nghiệp giữa hai quốc gia Trung Quốc - Việt Nam.

Tại Diễn đàn, màn trình diễn pha trà của nghệ nhân Đoàn Hùng Sơn với sản phẩm Bạch trà được chế biến từ những nõn tôm của búp chè Shan tuyết cổ thụ trên dãy Tây Côn Lĩnh – Hà Giang – Việt Nam đã đem lại cảm xúc nồng ấm cho các đại biểu của hai nước.

Màn trình diễn của nghệ nhân Đoàn Hùng Sơn

TH