Năm 2012, làng hoa Bình Lâm được UBND tỉnh Bình Định công nhận là làng nghề trồng hoa. Các nhà vườn tại đây chủ yếu trồng những loại hoa như cúc pha lê, cúc đại đóa, vạn thọ, mai kiểng, hoa hồng, hoa đồng tiền, vạn thọ, hoa tứ quý… để bán trong dịp tết Nguyên Đán. Từ năm 2017, nhiều hộ dân chuyển một phần diện tích trồng hoa phục vụ Tết sang trồng quất kiểng và các loại hoa cho thu hoạch quanh năm như đồng tiền, phú quý, dạ yến thảo, hồng môn, thu hải đường… Ông Huỳnh Thanh Vương, Chủ tịch UBND xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, cho biết: Trong số 612 hộ dân ở thôn Bình Lâm có khoảng 300 hộ trồng hoa cúc kiểng, bình quân mỗi vụ tết cho tổng thu nhập từ 6 - 7 tỉ đồng. Sau nhiều năm dừng lại ở hoa cúc vụ Tết, một hai năm gần đây, nhiều hộ dân ở Bình Lâm bắt đầu trồng thêm một số loại hoa khác để có thu nhập quanh năm.

Hoa cúc đại đóa "khoe sắc" tại làng hoa Bình Lâm

Ông Nguyễn Ngọc Tùng, hộ trồng hoa ở thôn Bình Lâm, xã Phước Hòa huyện Tuy Phước, chia sẻ: Trước đây, nhà tôi trồng khoảng 3.000- 5.000 chậu hoa, chủ yếu cúc pha lê và đại đóa để phục vụ Tết Nguyên Đán. Từ năm 2017 trở lại đây, gia đình tôi chuyển một phần diện tích đất sang trồng các loại hoa đồng tiền, phú quý, dạ yến thảo, hồng môn, thu hải đường, chỉ còn khoảng 300 - 400 chậu hoa cúc phục vụ Tết. Trồng đa dạng hóa nhiều loại hoa để có bán quanh năm, thu nhập khá hơn trồng một loại hoa cúc. Hiện tại, với diện tích 2.000m2, tôi trồng khoảng 10.000 chậu hoa đồng tiền, hoa hồng, hải đường, dạ yến thảo, cho thu nhập bình quân từ 20-30 triệu đồng/tháng.

Nếu như cách đây khoảng 15 năm, hầu hết các hộ gia đình lại Bình Lâm còn rất nghèo, nhà tranh cấp 4 xập xệ, phương tiện đi lại của bà con chủ yếu là xe đạp.  Nhưng hôm nay đến với Bình Lâm, dễ dàng nhìn thấy bộ mặt nông thôn trở nên khang trang, nhiều căn nhà to đẹp mọc lên, các trang thiết bị hiện đại như ti vi, xe máy, tủ lạnh, bếp ga… được nhiều hộ gia đình sử dụng, xóm nghèo đã thực sự “thay da đổi thịt”.

Theo ông Huỳnh Thanh Vương, Chủ tịch UBND xã Phước Hòa: Đầu những năm 2000, nghề trồng hoa (chủ yếu là các loại hoa cúc) bắt đầu “bén duyên” với người dân thôn Bình Lâm. Sau khoảng 10 năm, nghề bắt đầu phát triển mạnh và hiện nay chúng tôi đang phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật tỉnh triển khai mô hình ứng dụng và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, để nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm cây hoa kiểng tại làng nghề Bình Lâm, giúp người trồng hoa không chỉ có thu nhập khá từ sản phẩm hoa mà còn góp phần phát triển làng nghề theo hướng bền vững, gắn làng nghề với hoạt động du lịch.

Đinh Văn Toại

Sở Nông nghiệp và PTNT Bình Định