Làng hoa cây cảnh Phù Liễn vừa được Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương công nhận làng nghề truyền thống hoa cây cảnh vào ngày 17/9/2019. Đây là một vinh dự và niềm tự hào cho người dân Phù Liễn. Từ đó làng hoa có những hướng đi mới trong quy hoạch, phát triển hoa cây cảnh trong thời gian tới sao cho xứng tầm với danh hiệu “làng nghề truyền thống hoa cây cảnh” đầu tiên của tỉnh Hải Dương.

Người dân Phù Liễn đã gắn bó với nghề trồng hoa cây cảnh từ trước những năm 1993. Ban đầu chỉ có một vài hộ dân trong làng trồng hoa, cây cảnh với số lượng ít, mục đích chính là trang trí nhà cửa. Đến năm 1993, số người trồng hoa tại Phù Liễu tăng lên khoảng 60 - 70 hộ với diện tích khoảng 2 ha. Đa phần người dân trong thôn dựa vào kinh nghiệm và phương pháp sản xuất hoa, cây cảnh truyền thống như gieo từ hạt, trồng từ củ, mầm, nhánh, chiết, ghép... với giá thành cây giống thấp.

Gần 30 năm gắn bó với nghề, người dân nơi đây trồng hoa quanh năm, mỗi loại hoa đều có kỹ thuật chăm sóc riêng nên đòi hỏi nhà vườn cần phải có kỹ thuật chăm sóc rất tỉ mỉ và chu đáo. Con người Phù Liễn có những đức tính truyền thống của nghề trồng hoa như: cần cù, chịu khó, sáng tạo, cộng với sự mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên làng hoa Phù Liễn đã cho ra đời những sản phẩm hoa đẹp, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Các sản phẩm hoa cây cảnh của làng được thương lái ở khắp nơi tìm về tận nơi mua và mang đi tiêu thụ. Được biết, sản phẩm của làng Phù Liễn được tiêu thụ chủ yếu tại địa bàn tỉnh Hải Dương, ngoài ra còn được xuất đi các tỉnh Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội.

     Ông Nguyễn Đức Chiếu - Trưởng thôn Phù Liễn bên vườn hoa cúc của gia đình

Cho đến nay, thôn Phù Liễn đã có trên 154 hộ trồng hoa cây cảnh với diện tích trên 20,2 ha, chiếm hơn 45% số hộ trong thôn. Chủng loại và màu sắc hoa của làng hoa Phù Liễn khá đa dạng và bắt mắt. Những loại hoa được trồng nhiều nhất ở đây: hoa đào 7,2 ha (chiếm 35,6%), hoa cúc 5,5 ha (chiếm 27,2%), hoa đồng tiền gần 1 ha (chiếm 4,9%). Diện tích còn lại được trồng các loại hoa, cây cảnh khác như: hoa hồng, thược dược, mẫu đơn, cây cảnh, cây phụ trợ khác.... Bên cạnh đó, người dân Phù Liễn còn tìm hiểu thêm một số loại hoa mới có giá trị kinh tế cao từ Hưng Yên, Mê Linh, Tây Tựu, Đà Lạt như hoa hồng cánh sen, hoa hồng cổ, hồng nhung, hoa lan, lyly, cát tường về trồng tại địa phương. Khoảng 2 năm nay, người trồng hoa Phù Liễn còn chuyển sang trồng thêm hoa hồng trong chậu cho thu nhập cao hơn.

Hàng năm, làng hoa Phù Liễn cung ứng ra thị trường từ 2,2 - 2,3 triệu cành hoa và cây hoa, giống hoa các loại, trong số đó có tới 80% lượng hoa có giá trị kinh tế cao. Năm 2018, doanh thu từ trồng hoa cây cảnh của làng đạt 25,4 tỷ đồng, thu nhập bình quân 1 lao động trồng hoa đạt từ 50 - 60 triệu đồng/người/năm, tăng từ 5 - 7 triệu đồng so với thu nhập bình quân của làng, giải quyết việc làm từ 14 – 15 lao động/1 ha trồng hoa cây cảnh. Nhờ thế mà cuộc sống của người dân nơi đây ngày càng ấm no và đầy đủ hơn.

Nghề trồng hoa cây cảnh đem lại lợi ích kinh tế cao hơn so với sản xuất lúa, nhiều hộ dân đã chuyển một số diện tích đất canh tác trồng lúa sang sản xuất hoa cây cảnh nhằm tăng thêm thu nhập cho gia đình, tạo cảnh quan môi trường, làm đẹp cho quê hương. Từ năm 2016 đến nay, một số hộ gia đình ở Phù Liễn đã mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà màng, nhà lưới, áp dụng khoa học kỹ thuật ươm cây giống để trồng các loại hoa công nghệ cao với tổng diện tích trên 25.000 m2. Tuy vậy, khâu sơ chế, bảo quản hoa chưa được đầu tư thích đáng, chủ yếu vẫn sử dụng phương pháp bảo quản thông thường, dẫn đến thời gian bảo quản hoa ngắn, ảnh hưởng tới chất lượng hoa cung ứng ra ngoài thị trường. Nguyên nhân do thiếu nguồn vốn và thiếu đội ngũ đào tạo kỹ thuật cao.

Vào mùa thu hoạch, nhất là dịp Tết Nguyên đán, làng hoa Phù Liễn trở nên tấp nập, người người chở hoa trên các nẻo đường để đến với các khu chợ hoa, mỗi con đường, ngõ nhỏ trong làng cũng rộn ràng những gánh hàng hoa đủ màu sắc: màu đỏ thắm của những bông hồng nhung, pha trộn màu vàng rực rỡ của những đóa cúc, thêm vào sắc tím của violet, màu hồng của những cành đào phai, đào bích đang khoe sắc, cùng với đó là những cây quất sai trĩu quả, điểm thêm những cành lộc xanh mơn mởn. Đến dịp cuối năm, hoa cây cảnh Phù Liễn được đưa đi tham dự hội chợ hoa của nhiều tỉnh miền Bắc nhằm mục đích quảng bá thương hiệu và đưa mặt hàng hoa của làng mình đi xa hơn. Nhưng để làng hoa Phù Liễn phát triển bền vững xứng tầm với làng nghề truyền thống, địa phương đã có những giải pháp đồng bộ: Quy hoạch sản xuất tập trung các sản phẩm hoa để thuận tiện cho việc đầu tư chăm sóc và bảo quản. Đặc biệt tập trung sản xuất các loại hoa có giá trị kinh tế cao. Hỗ trợ phổ biến kiến thức để nâng cao trình độ cho người sản xuất thông qua các lớp tập huấn. Có cơ chế hỗ trợ đầu tư phát triển của nhà nước từ nguồn ngân hàng chính sách xã hội, giúp người dân có vốn để mở rộng sản xuất, khuyến khích đầu tư xây dựng cơ sở bảo quản, thiết bị vận chuyển để tăng giá trị sản phẩm trong tiêu thụ. Tiếp tục tổ chức các chương trình giới thiệu sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đây được coi là hướng đi đúng trong việc lan tỏa thương hiệu địa phương, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường và quan trọng nhất là nâng cao thu nhập cho người nông dân. Chắc chắn thành công nơi đây sẽ làm cho Phù Liễn có một diện mạo mới, cuộc sống sẽ ngày một ổn định, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương.

                        Nguyễn Thị Tuyền

Trung tâm Khuyến nông Hải Dương