Trong những năm qua, để thực hiện được mục tiêu phát triển sản xuất cây ăn quả ôn đới, tỉnh Lào Cai đã hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa có hiệu quả cao. Ngành nông nghiệp tỉnh Lào Cai đã triển khai nhiều chương trình, dự án trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp, đặc biệt đã quy hoạch và phát triển các vùng trồng cây ăn quả ôn đới. Tính đến hết năm 2017, diện tích cây ăn quả trên địa bàn tỉnh khoảng 9.800 ha, sản lượng quả tươi đạt gần 86.000 tấn/năm. Trong đó, có trên 600 ha lê VH6, và khoảng trên 100 ha lê xanh địa phương, sản lượng đạt trên 700 tấn, giá trị thu hoạch trên 600 tỷ đồng; cây mận 907 ha, sản lượng 2.889 tấn; cây đào khoảng 386 ha, sản lượng ước đạt 713 tấn, giá trị thu hoạch trên 20 tỷ đồng.

Trung tâm Giống nông nghiệp Lào Cai ứng dụng công nghệ cao trong trồng giống lê VH 6 tại huyện Bắc Hà

Công tác nghiên cứu, chọn tạo và nhân giống cây ăn quả tại chỗ được đầu tư và là vấn đề then chốt, có tính chất quyết định thành công trong việc phát triển mở rộng vùng trồng cây ăn quả ôn đới. Việc tổ chức sản xuất giống cây ăn quả ôn đới tại tỉnh sẽ chủ động được nguồn giống, quản lý chất lượng cây giống, giảm chi phí nhập khẩu, sinh trưởng phù hợp điều kiện khí hậu của vùng. Chính vì vậy, Sở Nông nghiệp và PTNT Lào Cai đã chỉ đạo Trung tâm Giống nông nghiệp duy trì nguồn vật liệu mới, tạo ra các giống cây ăn quả ôn đới như: lê VH6, đào Pháp (DD2, DCS1) được mở rộng vào sản xuất đại trà. Đồng thời thực hiện khảo nghiệm nhóm cây ôn đới hợp tác với vùng Aquitaine – Cộng hòa Pháp. Qua quá trình khảo nghiệm từ năm 2004 đến nay, đã lựa chọn được một số giống nho có năng suất khá cao tuy nhiên chất lượng quả không phù hợp để chế biến rượu vang như Cab Sauvignon, Chamboucin; một số giống nho ăn tươi có chất lượng khá nhưng năng suất thấp, nhiễm nhiều sâu bệnh như Cadinal. Trong tập đoàn cây ăn quả ôn đới khác, cây đào xác định được 1 giống Maycrest/GF305-1 có nhiều ưu điểm như năng suất ổn định, thịt quả cứng, màu sắc hấp dẫn, chất lượng quả khá, đặc biệt chín sớm vào cuối tháng 4 đầu tháng 5… hiện nay được lựa chọn xây dựng vườn giống gốc và được công nhận vườn cây đầu dòng. Còn lại các giống mận, lê, kiwi, sơri, táo sinh trưởng kém và không phù hợp với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng của Bắc Hà và Sa Pa. Bộ giống dâu tây, phúc bồn tử cho chất lượng khá tốt nhưng lại không phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu Lào Cai. Hiện nay Sở Nông nghiệp đang đề xuất UBND tỉnh cho phép hủy các loại cây trồng không phù hợp trong chương trình hợp tác để dành quỹ đất thực hiện nghiên cứu khảo nghiệm các loại cây có triển vọng khác.

Mặc dù có nhiều lợi thế về điều kiện tự nhiên cũng như tiềm năng về thị trường nhưng tỉnh Lào Cai vẫn chưa phát huy được hết tiềm năng phát triển cây ăn quả ôn đới vì hầu hết diện tích trồng cây ăn quả ôn đới là khu vực vùng núi cao, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế, khả năng đầu tư cho sản xuất, năng lực và trình độ canh tác có hạn, dẫn đến năng suất và sản lượng còn thấp.

Để cây ăn quả ôn đới phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh, các địa phương cần rà soát lại quy hoạch đất nông nghiệp trên địa bàn, đặc biệt là diện tích trồng cây ăn quả ôn đới; phát triển sản xuất hợp lý trên cơ sở phát huy lợi thế của vùng. Tùy theo điều kiện của từng vùng, trước mắt xây dựng các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị; áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào canh tác và bảo quản, chú trọng phát triển mô hình sản xuất công nghệ cao, công nghệ sạch từ đó hình thành các vùng chuyên canh sản xuất cây ăn quả ôn đới phù hợp theo điều kiện sinh thái. Tiếp tục huy động sự phối hợp với các vụ, viện, trung tâm nghiên cứu để chuyển giao tiến bộ khoa học về giống, kỹ thuật canh tác… tập trung vào công nghệ bảo quản, bao bì, chế biến.

Những triển vọng mở ra khi trồng cây ăn quả ôn đới đã dần dần hình thành tại Lào Cai. Trong thời gian tới, việc kết hợp thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ sẽ giúp cây ăn quả ôn đới trở thành một cây mũi nhọn quan trọng trong việc phát triển kinh tế nông nghiệp hàng hóa nhiều thành phần, nâng cao giá trị thu nhập, góp phần tăng thu nhập cho người dân, xóa đói, giảm nghèo và tiến tới làm giàu một cách bền vững./.

                                                            Ngọc Điệp

   Trung tâm Khuyến nông Lào Cai