Đây là lần thứ 2 Lễ hội sâm được tổ chức tại thủ phủ sâm Ngọc Linh nhằm mục đích quảng bá, giới thiệu đến với bạn bè trong và ngoài nước một loại cây dược liệu quý hiếm, đó là cây sâm Ngọc Linh- sâm Việt Nam. Sự kiện cũng góp phần phát triển sâm Ngọc Linh trở thành cây dược liệu có thương hiệu, giá trị kinh tế cao, xứng tầm những loại sâm trên thế giới như sâm Hàn Quốc, sâm Mỹ, sâm Nga, sâm Canada…

Diễn ra trong 3 ngày (1- 3/8), sự kiện gồm nhiều hoạt động như mua bán sâm Ngọc Linh và nông sản, giao lưu hóa văn nghệ thu hút sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học, nhà đầu tư và các nhà quản lý. Đây cũng là dịp để quảng bá du lịch và thu hút đầu tư cho ngành dược liệu, nông nghiệp sạch của Nam Trà My nói riêng và tỉnh Quảng Nam nói chung.

Thông điệp của sự kiện là kêu gọi sự chung tay của cộng đồng vì một nền dược liệu quý giá của Việt Nam, vì mục tiêu phát triển kinh tế, tăng cường sức khỏe, bảo vệ môi trường và sự thịnh vượng của con người và đất nước Việt Nam.

Theo ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, cây sâm Ngọc Linh (sâm Việt Nam) có từ bao đời nay tại vùng núi Ngọc Linh thuộc địa phận huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam và huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum. Là một loại cây dược liệu đặc biệt quý hiếm, sâm Ngọc Linh chứa đến 52 hợp chất saponin, có hàm lượng vi chất bồi bổ sức khỏe và chữa trị nhiều bệnh hơn các loại sâm khác trên thế giới. Đây là loại cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao nhất trên một đơn vị diện tích, đã xuất hiện tỷ phú giữa núi rừng Ngọc Linh.

Tháng 6/2017, cây sâm Ngọc Linh đã được Thủ tướng Chính phủ đưa vào danh mục sản phẩm quốc gia, mở ra tiềm năng và hướng phát triển mạnh mẽ cho cây sâm Ngọc Linh nói riêng và cho triển vọng đưa Nam Trà My thành thủ phủ cây sâm, cây dược liệu trong tương lai gần.

Hiện nay, tỉnh Quảng Nam đã quy hoạch trên 15.000 ha để trồng sâm. Phong trào trồng sâm trong nhân dân phát triển mạnh mẽ, số hộ trồng sâm tăng lên đến 1.500 hộ với diện tích trồng là 1.600 ha, tại 7/10 xã được quy hoạch. Giá cả cây sâm Ngọc Linh không ngừng tăng lên. Các nhà khoa học, các doanh nghiệp đã tập trung vào việc đầu tư nghiên cứu áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng sâm, sản xuất sản phẩm từ sâm. Đặc biệt, trồng sâm đi đôi với công tác bảo vệ và phát triển rừng, vì cây sâm chỉ sống dưới tán rừng nguyên sinh.

Tại lễ khai mạc, đại diện Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) đã công bố quyết định chỉ dẫn địa lý (sửa đổi) cho sản phẩm sâm củ Ngọc Linh lên 7/7 xã của huyện Nam Trà My.

Theo Báo Chính phủ