Theo đó, với sự tích cực, chủ động của các cấp, các ngành và sự hợp tác chặt chẽ của các đối tác quốc tế, các nước thành viên EU, việc triển khai Hiệp định EVFTA đã diễn ra khá đồng bộ, tạo xung lực mới cho tăng trưởng và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Trong lĩnh vực nông nghiệp, thống kê sơ bộ sau hơn môt tháng EVFTA có hiệu lực và được thực thi, nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực tại thị trường EU. Trong mấy ngày qua chúng ta đã chứng kiến những Lễ xuất khẩu nông sản sang EU: Tôm nước lợ tại Ninh Thuận ngày 11/9; Cà phê, chanh leo tại Gia Lai ngày 16/9. Đến ngày 17/9, Bộ NN&PTNT phối hợp UBND tỉnh Bến Tre tiếp tục tổ chức Lễ Công bố xuất khẩu lô nông sản thứ ba gồm dừa, thanh long, bưởi da xanh sang châu Âu. Như vậy, chỉ trong vòng 01 tuần lễ, từ 11 - 17/9, chúng ta đã liên tục chứng kiến 03 đợt xuất khẩu hàng nông sản sang châu Âu theo Hiệp định EVFTA, trong đó có 02 đợt là rau quả.

Trong 1 tuần, Việt Nam xuất khẩu 03 đợt hàng nông sản sang châu Âu theo Hiệp định EVFTA

 

Trong các mặt hàng nông sản thì rau quả là một trong những mặt hàng được hưởng lợi ngay khi EVFTA có hiệu lực, thuế cắt giảm sâu (6 – 30%) và theo lộ trình tương đối nhanh (nhiều mặt hàng 1 – 6 năm), cụ thể: Xóa bỏ ngay khi Hiệp định có hiệu lực 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả (trong đó có nhiều sản phẩm là thế mạnh của Việt Nam như vải, nhãn, chôm chôm, thanh long, dứa, dừa, bưởi…). Phần lớn các dòng thuế EU cam kết xóa bỏ ngay hiện đều đang có mức thuế MFN trung bình là trên 10%, cá biệt có những sản phẩm rau quả đang chịu thuế suất trên 20%. Do đó, mức cam kết này của EU được đánh giá là sẽ tạo ra lợi thế lớn về giá cho rau quả Việt Nam (đặc biệt trong cạnh tranh nhập khẩu vào EU với các nước có thế mạnh về rau quả nhưng chưa có FTA với EU như Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia, Indonesia …).

Xuất khẩu trái cây Việt Nam sang EU từ nay đến hết năm dự kiến sẽ khôi phục tăng trưởng, hy vọng sẽ bù đắp phần nào cho tỷ lệ sút giảm của những tháng đầu năm do tác động của dịch COVID-19 và sẽ lấy đà bứt phá trong những năm tới.

Phát biểu tại Lễ Công bố xuất khẩu lô hàng trái cây sang châu Âu theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU tại Bến Tre, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết đây là cơ hội để Việt Nam gắn kết sâu rộng vào thị trường toàn cầu có giá trị và chất lượng cao. EU với 27 quốc gia thành viên, hơn 511 triệu dân, GDP bình quân đầu người trên 35.000 USD là thị trường lớn có mức thu nhập cao. Quan hệ thương mại giữa EU và Việt Nam có tính bổ trợ lẫn nhau, không cạnh tranh trực tiếp, đặc biệt là các sản phẩm nông sản nhiệt đới nói chung, trái cây nói riêng mà thị trường EU rất cần. Để hưởng lợi và tăng trưởng bền vững, Thứ trưởng lưu ý các địa phương, doanh nghiệp và bà con nông dân cần quan tâm đến các yêu cầu mà EU đã đặt ra và Việt Nam đã cam kết thực hiện trong Hiệp định, đó là chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc xuất xứ của nông sản, đặc biệt là trái cây.

Ngô Văn Đây

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia