Lúa cắt đến đâu lái theo đến đó

Đến ngày 21-12-2016, trên những cánh đồng lúa sạch Thạnh Phú chỉ còn một vài ruộng cuối cùng đang thu hoạch. “Tại xuống giống hơi trễ so với lịch thời vụ của UBND xã thông báo nên nay mới còn lúa để thu hoạch. Hú hồn vì năm nay không mặn như năm ngoái nhưng nhờ đó mà lúa của tôi chắc chắn sẽ bán được giá cao hơn các ruộng gặt trước. Mấy ngày nay không biết mấy người mua lúa xin ở đâu số điện thoại của tui mà gọi trả giá cả chục lần hỏi mua, giá trả cao nhất được 7,7 ngàn đồng/kg rồi đó” - anh Nguyễn Văn Ninh, là 1 trong 17 hộ của THT lúa sạch Thạnh Phú phấn khởi.

Len lỏi khắp các bờ vuông tôm, chúng tôi thậm chí gặp lái tìm mua lúa còn nhiều hơn các chủ ruộng lúa trong ao tôm. Bởi, gặt lúa xong, chủ vuông đã lấy nước đầy cho gốc rạ phân hủy từ từ chờ ngày có tôm sú giống thả nuôi. Chị Mai - chủ cơ sở kinh doanh lúa gạo tại xã Giao Thạnh, huyện Thạnh Phú than: “Phần đông chủ ruộng đều từ chối bán lúa cho tôi giống các năm trước, mặc dù tôi cũng đã nâng giá theo thị trường nhưng nông dân vẫn chờ giá lên. Nói chung năm nay thật sự rất khó mua đủ số lượng mình cần”.

Từ hơn 2 tuần qua, thông tin được nhãn hiệu lúa sạch đã khiến cho giá lúa ở đây tăng dần, từ khoảng 5,5 - 5,7 ngàn đồng/kg lúa tươi lên đến 7,5 - 7,7 ngàn đồng/kg. “Anh có tin không, 18 công lúa của tôi đã bán hết từ hơn tuần qua nhưng nhiều lái và có cả đại diện một số doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh vẫn tìm hỏi mua liên tục. Nhưng nhiều nhất phải kể đến là chủ những cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo ở các địa phương, họ đặt vấn đề để được phép dùng logo của Nhãn hiệu lúa sạch quầy hàng của họ, thậm chí họ còn mời tôi làm giám đốc hợp doanh để thành lập công ty. Mọi việc vẫn chưa đâu vào đâu nên tôi không đồng ý để bảo vệ quyền lợi cho bà con”, ông Tô Văn Bạch - Chủ tịch Hội Nông dân xã An Nhơn kiêm Tổ trưởng THT lúa sạch Thạnh Phú cho biết.

Theo ông Bạch, năm nay lúa không trúng lắm do dư âm của đợt mặn năm trước nhưng nhờ giá cao nên mỗi công lúa lãi cũng được hơn 2 triệu đồng. “Chủ lúa thậm chí không cần đụng móng tay khi thu hoạch vì người mua rơm luôn sẵn sàng làm thay cho họ để được sở hữu rơm. Nhưng hiện chúng tôi vẫn còn điều băn khoăn là Công ty Lương thực Bến Tre (đơn vị ký hợp đồng bao tiêu lúa sau thu hoạch) chỉ tăng giá quá ít và chậm so với ngoài thị trường. Thậm chí việc thu mua của họ còn khá dè dặt về số lượng so với nguồn cung thực tế ở đây, khiến người dân phần nào không an tâm” - ông Bạch nói.

Vẫn theo ông Bạch, việc sở hữu quyền nhãn hiệu lúa sạch nhưng vấn đề pháp nhân thương mại không có sẽ không thể kiểm soát được những gian lận trong thị trường gạo sạch. Nếu không, điều đó đưa đến nguy cơ phá hoại uy tín của lúa sạch Thạnh Phú trong lòng người tiêu dùng - một hậu quả rất khó lường.

Những trăn trở sau khi có nhãn hiệu

Ông Dương Văn Huyện - Chủ tịch UBND xã An Nhơn chia sẻ rằng vấn đề bảo vệ uy tín cho quyền nhãn hiệu lúa sạch là nỗi trăn trở lớn của ông trong thời gian qua. Tuy nhiên, hướng giải quyết đang được thực hiện và đạt tiến độ rất nhanh. “Nếu như THT lúa sạch ở ấp An Hòa được thành lập từ năm 2014, chỉ với 17 hộ, 15,3ha, hoạt động đúng quy định của Nghị định số 151 của Chính phủ và kéo dài gần 2 năm vẫn chưa thành lập THT kiểu tương tự được thì nay, sau khi có nhãn hiệu, giá lúa tăng vọt, chỉ trong một thời gian ngắn chúng tôi đã hỗ trợ thành lập được 6 THT sản xuất lúa sạch mới, với tổng cộng 95 hộ, tổng diện tích đã hơn 100ha. Bao nhiêu đó tập hợp lại đã có thể tiến lên thành lập hợp tác xã hoạt động đúng theo Luật Hợp tác xã năm 2012 rồi nhưng diện tích lúa còn lại trên địa bàn xã hơn 830ha nên chúng tôi sẽ tiếp tục vận động nông dân tham gia THT để khi lên hợp tác xã sẽ mạnh mẽ hơn” - ông Huyện nói.

Tuy nhiên, ông Huyện cũng cho biết vấn đề về giá mà phía đối tác luôn được ưu tiên ký kết là Công ty Lương thực Bến Tre đưa ra đã khiến ông chưa an tâm được. “Ngoài thị trường đã lên đến khoảng 7,5 ngàn đồng/kg rồi nhưng Công ty Lương thực vẫn chỉ kềm giá ở mức 6,5 ngàn đồng/kg. Chênh lệch như vậy khiến cho thị trường lúa sạch khá sôi động, thậm chí nhiều người nông dân tâm sự với tôi rằng họ muốn được bán cho công ty này lâu dài nhưng như vậy họ sẽ bị thiệt thòi. Thời gian gần đây có nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đến đặt vấn đề bao tiêu với giá cao hơn nhưng chúng tôi vẫn kiên trì chờ động thái tích cực từ phía Công ty Lương thực Bến Tre. Thậm chí, vì không được ký kết, một doanh nghiệp đến từ ngoài tỉnh đã sử dụng các thương lái cấp 2 tại địa phương âm thầm thu mua được hơn 100 tấn lúa tươi nhưng chúng tôi đã phát hiện được, sau đó mời họ đến và đề nghị họ chấm dứt việc này” - ông Huyện nói.

Đồng tình với trăn trở về giá của ông Dương Văn Huyện - Chủ tịch UBND huyện Thạnh Phú Lâm Văn Tân cho biết thêm, hiện đã gửi công văn đề nghị Công ty Lương thực Bến Tre tăng giá mua theo thị trường. “Giá mà phía Công ty Lương thực Bến Tre thu mua hiện nay rõ ràng người nông dân khó lòng chấp nhận được. Theo tôi nghĩ, công ty thậm chí cần thu mua cao hơn giá thị trường chút đỉnh để người nông dân được an tâm hơn và thực hiện các ký kết hợp đồng lâu dài. Theo cơ chế thị trường thì địa phương sẽ xem xét trên bình diện chung về điều kiện lợi ích cho nông dân chứ không ưu tiên chờ đợi riêng một doanh nghiệp nào cả” - ông Tân nói.

Theo báo Đồng Khởi