Thống kê của UBND huyện Đồng Xuân, bão số 12 vừa qua làm ngã đổ 5.289ha keo, trong đó diện tích keo của người dân trồng là 4.289ha và của BQL rừng phòng hộ Đồng Xuân là 1.000ha. Ước thiệt hại khoảng 26,4 tỉ đồng.

Tại xã Đa Lộc, bão quật ngã đổ 370ha keo. Nông dân thu dọn bán gỗ keo nhưng không có cây giống trồng lại. Ông Bùi Văn Quang, ở xã Đa Lộc cho hay giá gỗ nguyên liệu rừng trồng trước từ 1,1 - 1,2 triệu đồng/tấn, nay giảm xuống 600.000 - 800.000 đồng/tấn. Ngược lại keo giống trước mưa bão chỉ 400 đồng/cây, nay tăng lên 800 đồng/cây mà không mua được.

Ông Trương Thái Hòa, Phó Chủ tịch UBND xã Đa Lộc cho biết, ngoài thiệt hại nhà cửa thì riêng mảng lâm nghiệp thiệt hại nặng nhất khi hàng loạt vườn keo của dân bị gãy đổ. Hiện đang là mùa mưa, thích hợp cho việc trồng keo, khi keo bén rễ, tiếp tục trồng sắn xen vào, thế nhưng không thể tìm mua cây giống.

Bão số 12 quật ngã 1.500ha keo tại xã Xuân Lãnh. Dọc theo các vùng gò đồi thôn Lãnh Trường, Lãnh Tú, Xí Thoại (xã Xuân Lãnh), người dân tranh thủ tận thu keo đổ bán gỗ dăm để trồng lại. Tuy nhiên, do khan hiếm keo giống nên nông dân bỏ trống đất. Ông Nguyễn Văn Lâm, ở thôn Lãnh Tú, cho biết vài hôm nữa trời ngớt mưa ông tính ra Bình Định mua cây giống.

Theo ông Phạm Trung Chánh, Phó chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân, bão làm hư hại 700.000 cây giống lâm nghiệp của các cơ sở ươm cây giống Hồng Phúc, Ngọc Trinh, Hoài Diên vì bị ngập nước, ước thiệt hại 200 triệu đồng. Vì thế sau bão trên địa bàn huyện khan hiếm giống cây lâm nghiệp là đương nhiên.

Tình trạng khan hiếm keo giống không chỉ ở huyện Đồng Xuân mà các nơi khác cũng tương tự. Chỉ tính riêng xã Sơn Định, Sơn Long (huyện Sơn Hòa) có 8 vườn ươm cây giống lâm nghiệp theo phương pháp giâm hom với quy mô từ vài chục ngàn đến hàng trăm ngàn bầu cây keo lai, nay không còn cây giống nào để bán.  

Vườn ươm ở xã Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân) xuất bán cây giống

Cơ sở giống cây lâm nghiệp Hồng Sum (xã Sơn Long) năm nay gieo ươm 2 triệu cây keo lai giâm hom, dân quanh vùng đã mua hết.  Bà Nguyễn Thị Thu ở xã Sơn Long, sau khi tận thu 3 ha cao su ngã đổ do bão, bà đi mua keo giống về trồng nhưng các vườn ươm trống trơn. “Tôi chặt vườn cao su gãy bán, tính trồng cao su lại nhưng vốn lớn quá, không có khả năng. Tôi đi hỏi mua keo giống, nhưng đến các vườn ươm chỉ còn ít cây lựa dạt ra, tôi đành về tay không”, bà Thu nói.

Huyện Sông Hinh, diện tích cây keo và cây phân tán khác bị đỗ ngã trong bão số 12 là 617,57 ha, trong đó diện tích cây keo là 604,3 ha. Đến nay nông dân tận thu một nửa, nhưng trong số này nông dân chưa trồng lại được vì thiếu giống cây. Theo ông Đinh Ngọc Dạn, Phó chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, việc tận thu keo rồi trồng lại rừng kinh tế của nông dân gặp nhiều khó khăn, vì sau bão giống cây khan hiếm. Huyện đề nghị các xã vận động nhân dân chuyển sang trồng các loại cây trồng ngắn ngày như sắn, đậu…tăng thêm thu nhập.

  TS Nguyễn Trọng Tùng, Nguyễn Trọng Tùng Giám đốc Sở NN&PTNT: Mùa trồng rừng năm 2017, các vườn ươm trên địa bàn tỉnh đã gieo ươm được 8,5 triệu cây giống, (tương đương 4.500ha), đảm bảo đủ giống cây con đạt tiêu chuẩn xuất vườn. Các vườn ươm cung cấp giống cây lâm nghiệp chủ yếu tập trung tại các huyện miền núi Đồng Xuân, Sơn Hòa, Tuy An, tuy nhiên do mưa bão, vườn keo ngã đổ nông dân có nhu cầu trồng mới nên hiện nay thiếu hàng triệu giống cây. Sở NN&PTNT khuyến cáo, sau bão nông dân đầu tư, chăm sóc rừng trồng, khoanh nuôi rừng tái sinh, kết hợp vận động nông dân, doanh nghiệp tiếp tục ươm giống, trồng cây phân tán.   

Mạnh Hoài Nam