Mỗi ngày thu hoạch 50 tấn khóm

Đi trên quốc lộ 25, đến cầu Đồng Dinh (thị trấn Phú Hòa) rẽ phải đi vào 3 cây số là nhìn thấy vùng khóm Đồng Dinh trải dài hai bên suối Cái. Dọc theo con đường dưới chân rẫy khóm, nhiều người chở khóm tấp vào bên đường để bán. Thương lái đến đây mua khóm ai cũng “sắm” riêng cho mình một chợ xổm để mua khóm (chọn khu đất trống ven đường). Mỗi chợ xổm họp có 9-10 người bán khóm. Tại chợ xổm, chủ khóm lựa khóm trong giỏ cần xé ra phân 3 loại: trái lớn, trái trung và trái đẹt (trái nhỏ). Khóm không cân ký mà đếm chục (12 trái) rồi bỏ vào trong túi ni lông bán với giá 100.000 đồng/chục (mỗi trái khóm nặng gần 1 kg). Thương lái chỉ việc đếm túi ni lông rồi trả tiền.

Thương lái đón đầu mua qua 2 “khẩu”, một “khẩu” nằm ngay miệng suối Cái ra thị trấn Phú Hòa, còn một “khẩu” qua cánh xã Hòa Quang Bắc. Hàng ngày trên vùng khóm có 8 thương lái thu mua, mỗi lái mua gom khoảng 7 tấn khóm, tương đương 70 triệu đồng. Như vậy, mỗi ngày vùng khóm Đồng Dinh tiêu thụ trên 50 tấn khóm, thu vào trên nửa tỉ đồng.  

Ông Trần Tấn Anh, một người trồng khóm ở đây cho biết: Trung bình 1 ha khóm mỗi năm thu 200 triệu đồng, trừ chi phí còn lại 80 triệu đồng/ha. Vùng khóm Đồng Dinh có gần 200 hộ dân chuyên trồng khóm, hộ trồng nhiều trên 10 ha, còn lại đa số mỗi hộ trồng 7-8 ha. Thường trồng lứa khóm tơ thu hoạch mùa đầu, năm sau thu hoạch đến khóm gốc, mỗi mùa cây nảy ra 5-6 cây con quanh gốc; người trồng tách bỏ bớt chừa lại 3-4 cây con để “nuôi” cho ra trái, cứ vậy tiếp tục thu hoạch lứa khóm gốc 5-7 năm.

Theo nhiều người trồng khóm, vùng này thu hoạch khóm chín cây nên khóm sắc nước, ngọt thanh. Chất đất và tiểu vùng khí hậu ở đây làm cho khóm Đồng Dinh có vị ngon nổi tiếng. Khóm Đồng Dinh trồng trên đất rẫy rất chịu hạn, đến nay vùng khóm này hình thành 18 năm.

“Nhờ trồng khóm mà nhiều người xây được nhà lầu và mua cả xe tải. Tại thị trấn Phú Hòa, có xóm nhà chuyên trồng khóm, mấy năm qua tích lũy xây dựng nhà cửa khang trang, nhiều người quanh vùng gọi là xóm “biệt thự” - ông Phan Văn Sơn, một người trồng khóm ở Đồng Dinh, quê ở thị trấn Phú Hòa chia sẻ.

Người dân bày bán khóm Đồng Dinh

Hình thành từ rẫy bạch đàn

Đồng Dinh trước đây người dân quanh vùng ở xã Hòa Định Tây và thị trấn Phú Hòa đến trồng rẫy bạch đàn, về sau có người trồng dưới chân rẫy bên bờ suối Cái vài chục bụi khóm. Khi “cây mùa trái chín” ăn thấy ngon nhiều người hỏi mua nên người dân quanh vùng phá rẫy bạch đàn đầu tư trồng khóm. Từ đó vùng khóm Đồng Dinh “tràn qua” hai bên suối Cái, rồi chạy dài qua các xã Hòa Quang Nam, Hòa Quang Bắc.

Khóm thích hợp trồng trên khu vực đồi dốc, rất dễ sống, phát triển tốt trong điều kiện thời tiết nắng hạn. Theo nhiều người dân, khóm là cây dễ trồng, chịu hạn tốt, ít xảy ra sâu bệnh, vốn đầu tư ít, lãi cao. Sau khi thu hoạch vụ chính khóm gốc, những cây khóm “sung sức” phát triển tốt, người trồng “tạo điều kiện” cho khóm ra trái mùa, thu hoạch liên tục quanh năm.

Chị Võ Thị Diễm, thương lái thu mua khóm cho biết, khóm Đồng Dinh ngày càng vang xa được thị trường trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Toàn bộ khóm ở đây đều được thương lái trực tiếp đến mua và vận chuyển bán ra thị trường các tỉnh như Khánh Hòa, Ninh Thuận, Hải Phòng...

Những năm qua, khóm Đồng Dinh trồng theo tiêu chuẩn VietGAP và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận thương hiệu. Huyện Phú Hòa đang lập dự án mở rộng diện tích, kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng cơ sở chế biến để đảm bảo ổn định đầu ra; hình thành vùng sản xuất hàng hóa nông sản tập trung và tăng thu nhập cho nông dân.

Ông Lê Ngọc Tính, Chủ tịch UBND huyện Phú Hòa cho hay, khóm Đồng Dinh là một trong những sản phẩm chủ lực của huyện, nức tiếng gần xa với vị ngọt, thơm được thị trường ưa chuộng. Nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân, chính quyền định hướng phát triển vùng trồng khóm theo hướng sản xuất hàng hóa. Theo đó, UBND huyện sẽ tập trung đầu tư về kỹ thuật trồng trọt, kêu gọi hỗ trợ cho HTX, thị trấn xây dựng thương hiệu, đầu tư kêu gọi xây dựng nhà máy chế biến sơ chế. Với những định hướng phát triển vùng trồng khóm theo hướng sản xuất hàng hóa, người nông dân sẽ có thu nhập ổn định.

  Ths Nguyễn Đức Thắng, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Phú Yên cho biết: Khóm Đồng Dinh với đặc điểm tiểu vùng khí hậu, khóm có vị ngọt thanh, được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến nên vùng khóm này vang xa cả nước. Những năm qua, khóm Đồng Dinh “đóng đinh” thương hiệu, là một trong những sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh Phú Yên.    

 

Mạnh Hoài Nam