Trong quá trình xây dựng nông thôn, huyện Lệ Thủy đã triển khai thực hiện tốt đề án “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) để tạo thương hiệu cho mỗi vùng quê. Thực hiện đề án này, huyện đã tập trung phát triển các hình thức tổ chức sản xuất gắn với đẩy mạnh các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ du lịch có tiềm năng, thế mạnh trên địa bàn theo hướng gia tăng giá trị. Là một địa phương phát triển về nông nghiệp, được mệnh danh là huyện lúa của tỉnh Quảng Bình nên việc nâng cao tỷ trọng sản xuất nông nghiệp luôn được địa phương đặt lên hàng đầu. Đối với thương hiệu gạo sạch Lệ Thủy, huyện đã xây dựng lộ trình hướng đến đạt chuẩn OCOP từ năm 2012. Trong đó, Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Mỹ Lộc Thượng (xã An Thủy) thực hiện điểm với gần 270 ha giống lúa V6.

Để tạo đà cho sản phẩm gạo Lệ Thủy có chỗ đứng trên thị trường, UBND huyện đã hỗ trợ 110 triệu đồng cho Hợp tác xã để đầu tư máy xay xát, nhà xưởng, hoàn tất các thủ tục đăng ký nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm. Loại gạo này sạch, dẻo, thơm hơn nhiều loại gạo sản xuất thông thường và được Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Sở Y tế Quảng Bình cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Quảng Bình xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Đây là điều kiện để lúa gạo Lệ Thủy thâm nhập sâu rộng hơn vào thị trường tiêu thụ và hướng tới chuẩn OCOP.

Gạo sạch Lệ Thủy phấn đấu đạt chuẩn OCOP trong thời gian tới.

Trong Chương trình xây dựng nông thôn mới, nội dung xây dựng khu vườn mẫu phù hợp với từng tiểu vùng ở Lệ Thủy được đề ra nhằm phát huy tiềm năng lợi thế của huyện Lệ Thuỷ. Đi kèm đó là khung tiêu chí khu vườn mẫu do UBND huyện ban hành được triển khai thực hiện từ giữa năm 2018. Năm 2015, gia đình ông Hoàng Đại Vương, thôn Xuân Lai, xã Mai Thủy, huyện Lệ Thủy được Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư tỉnh hỗ trợ 250 cây giống cam mật, phân bón và kỹ thuật canh tác theo Dự án khôi phục giống cam mật của tỉnh Quảng Bình để trồng thí điểm.

Sau hơn 4 năm cải tạo khu vườn tạp, giờ đây, ông đã bắt đầu thu hoạch lứa cam mật đầu tiên. Hơn 250 gốc cam xanh mướt, trĩu quả là thành quả xứng đáng mà vợ chồng ông có được sau bao tháng ngày miệt mài lao động. Ưu điểm của giống cam mật này là trái to, mọng nước, vỏ mỏng, dễ tách, ruột vàng và có mùi thơm, vị ngọt đặc trưng nên rất được thị trường ưa chuộng, đầu ra ổn định.

Giống cam mật được trồng trên vùng gò đồi huyện Lệ Thủy

Hiện nay, trên địa bàn huyện Lệ Thủy có khá nhiều hộ nông dân trồng cam theo kiểu “vườn mẫu”, giống cam được mọi người chọn trồng là cam chanh Vũ Quang (Hà Tĩnh) và giống cam mật. Riêng tại xã Mai Thủy đã có trên 10 hộ trồng giống cam mật giá trị này. Ngoài ra, các xã Trường Thủy, Thái Thủy, Dương Thủy, Tân Thủy và một số xã khác cũng đã bắt đầu đưa vào trồng.

Nhằm tạo lợi thế cho các sản phẩm, Lệ Thủy chủ động đẩy mạnh hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông sản. Nhiều hình thức được thực hiện như hỗ trợ các cơ sở, đơn vị sản xuất trưng bày tại các gian hàng hội chợ triển lãm, hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết các chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm.

Đến nay, Lệ Thủy đã có 22 xã đăng ký với 34 sản phẩm và nhóm sản phẩm. Theo đó, Lệ Thủy vẫn duy trì hiệu quả các sản phẩm đã có thương hiệu, như: tinh bột nghệ Vân Di; rau Hòa Luật Nam (xã Cam Thủy); mướp đắng sạch của Tổ hợp tác Sản xuất mướp đắng sạch xã Hưng Thủy; gạo sạch Lệ Thủy của HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Mỹ Lộc Thượng; nén Hoa Thủy; gà đồi Lệ Thủy; mè xửng Hiếu Kiên; ớt bột Hồng Thủy… Theo đó, những sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp cụ thể được huyện Lệ Thủy tập trung phát triển căn cứ vào thế mạnh của từng địa phương và là những sản phẩm có thị trường rộng mở.

Ngoài ra, một số sản phẩm mới đang dần khẳng định vị thế, như: các sản phẩm tinh dầu; cam mật Lệ Thủy… Đây hầu hết là sản phẩm được kết nối thông qua các hợp tác xã, tổ hợp tác. Những chuỗi sản phẩm mà huyện đang xây dựng chủ yếu là thực phẩm sạch và nông sản an toàn, hoàn toàn không hóa chất, không chất bảo quản.

Đến nay, Văn phòng Nông thôn mới và OCOP huyện phối hợp với Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện đã lựa chọn và đang phối hợp với VNPT Quảng Bình hỗ trợ 15 sản phẩm về nhãn mác, bao bì, logo và tem truy xuất nguồn gốc. Dự kiến khi hoàn thành thì các sản phẩm này sẽ đạt tiêu chuẩn 3 sao theo bộ tiêu chí đánh giá, xếp hạng sản phẩm chương trình OCOP.

Các sản phẩm OCOP sẽ góp phần quan trọng trong việc khai thác hiệu quả hơn tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương, phát triển các sản phẩm có chất lượng theo đúng quy chuẩn, tăng khả năng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của thị trường, qua đó tạo điều kiện để thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Song, thực tế mà nói, việc sản xuất, kinh doanh nông sản trên địa bàn tỉnh nói chung và huyện Lệ Thủy nói riêng mới chỉ dừng lại ở từng công đoạn riêng lẻ, hầu hết đi từ khâu sản xuất sau đó trực tiếp ra thị trường tiêu thụ, chưa hình thành được mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm một cách bài bản, có tính bền vững lâu dài. Chính vì vậy, việc phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm là hướng mở để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, tránh những rủi ro cho người nông dân. Để có thể xây dựng được mô hình chuỗi liên kết, chính người nông dân cần phải thay đổi tư duy, nhận thức về cách thức sản xuất, đồng thời cần có sự quan tâm đúng mức của các cấp, các ngành, nhất là xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản.

Thùy Trang

Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Quảng Bình