Là cơ sở thu mua lớn, được truyền nghề qua nhiều thế hệ, bình quân mỗi năm Công ty TNHH Dịch vụ thương mại Thanh Quang thu mua và bán ra khoảng 3.000 tấn thủy hải sản các loại, tạo việc làm thường xuyên cho 42 lao động địa phương. Tuy nhiên, Công ty mới chỉ thu mua, cấp đôngvà bán thô các loại thủy hải sản chứ chưa kết nối được với các tàu cá có đủ điều kiện an toàn thực phẩm để xây dựng chuỗi từ thu mua, chế biến và cung cấp sản phẩm ra thị trường. Nhằm đáp ứng nhu cầu cũng như thói quen tiêu dùng của người dân địa phương và khách du lịch, năm 2017, được sự hỗ trợ của Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Quảng Bình, Công ty đã trang bị máy móc, thiết bị phục vụ sơ chế, chế biến và xây dựng điểm kinh doanh, giới thiệu sản phẩm... theo hướng chuỗi thủy sản an toàn. Hiện tại, đây là mô hình chuỗi sản phẩm thủy sản đầu tiên trên địa bàn tỉnh được chứng nhận an toàn với các sản phẩm như: cá thu, cá hồng, cá nục, cá bạc má, mực ống…

Sản phẩm thuỷ sản của Công ty TNHH DVTM Thanh Quang được chứng nhận chuỗi an toàn thực phẩm

Ông Nguyễn Thức Quang, Giám đốc Công ty TNHH DVTM Thanh Quang chia sẻ: Hiện tại, cơ sở đang hoạt động trên mặt bằng rộng khoảng 1.500m2, trong đó 125m2 làm nơi giới thiệu và bán sản phẩm hải sản. Sản phẩm hải sản tại đây được cung cấp từ các tàu cá đã chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, rồi được đưa qua sơ chế, đóng gói tại điểm sơ chế đã được chứng nhận HACCP, sau đó được cấp đông tại hệ thống nhà lạnh của Công ty trước khi cung cấp ra thị trường. Ngoài ra, để giúp người tiêu dùng và khách du lịch có địa điểm mua sản phẩm hải sản, Công ty đã khai trương siêu thị Bình Minh trên địa bàn xã Thanh Trạch chuyên cung cấp chuỗi hải sản sạch và an toàn. Dù chỉ mới khai trương được thời gian ngắn, nhưng lượng người đến đây mua hải sản khá đông, bởi các sản phẩm của Công ty bán tại siêu thị không chỉ tươi ngon mà còn rẻ do được thu mua và sơ chế trực tiếp không qua trung gian.

Đánh giá về mô hình truy xuất nguồn gốc thủy hải sản, bà Hồ Thị Tuyết Minh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản cho rằng: Với hệ thống chuỗi liên kết cung ứng từ tàu cá khai thác hải sản xa bờ đến cơ sở sơ chế, chế biến hải sản và cơ sở kinh doanh sản phẩm, người tiêu dùng không chỉ được cung cấp sản phẩm được kiểm soát an toàn thực phẩm mà còn có thể truy xuất được nguồn gốc khi cần thiết. Điều này đã giúp sản phẩm thủy hải sản của tỉnh ta được đánh giá cao và tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên, để mô hình chuỗi thuỷ sản liên kết ngày càng bền vững, rất cần chính sách hỗ trợ các tác nhân tham gia chuỗi, cụ thể, ngư dân rất cần được hỗ trợ đầu tư máy móc, thiết bị bảo quản sản phẩm và đào tạo kỹ năng khai thác, sơ chế, bảo quản sản phẩm; còn doanh nghiệp cần được hỗ trợ trong việc quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường, xác nhận nguồn gốc nguyên liệu.

Với lợi thế về thuỷ sản đánh bắt và nuôi trồng, trong thời gian tới, tỉnh cần tiếp tục triển khai hỗ trợ nhân rộng mô hình chuỗi thuỷ sản an toàn gắn với truy xuất nguồn gốc nhằm tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm thuỷ sản, góp phần phát triển nghề thuỷ sản của địa phương ngày càng bền vững.               

                                                                                                          Ngọc Lan