Tỉnh Quảng Bình vốn có nhiều giống cây, con được ví như là "đặc sản" nổi tiếng gắn liền với những địa danh cụ thể, như: cam mật Hiền Ninh (huyện Quảng Ninh), lợn khùa Minh Hoá, gà ri Lạc Sơn (huyện Tuyên Hoá), nếp Cau, gạo Nước hai - hay còn gọi là gạo đỏ (huyện Bố Trạch)... Tuy nhiên phần lớn các giống cây, con bản địa này đã bị thoái hóa, phân ly, giảm phẩm cấp và chất lượng vốn có. Để từng bước bảo tồn và hướng đến nhân rộng các giống cây, con bản địa này, những năm qua, tỉnh Quảng Bình đã chú trọng đến công tác phục tráng, bảo tồn và phát triển một số giống cây trồng, vật nuôi bản địa truyền thống. Trong đó, nguồn gen lợn khùa Minh Hóa được Sở Khoa học và Công nghệ triển khai phục tráng, bảo tồn từ năm 2008- 2010; nguồn gen cây cam mật Hiền Ninh do Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh triển khai phục tráng, bảo tồn từ năm 2013- 2016; sau khi phục tráng thành công đã được khai thác và phát triển nhân rộng vào sản xuất.

Sau khi phục tráng thành công, cây cam mật Hiền Ninh được đưa vào sản xuất theo hướng hàng hóa

Hiện tại, người dân các địa phương như Trường Thủy, Mai Thủy (huyện Lệ Thủy), Hòa Trạch, thị trấn Nông trường Việt Trung (huyện Bố Trạch), Hiền Ninh, Vạn Ninh (huyện Quảng Ninh)... đã mở rộng diện tích trồng cây cam mật Hiền Ninh lên vài chục héc-ta và đầu tư sản xuất theo hướng hàng hóa để phát triển kinh tế. Theo đánh giá của bà con, đây là giống cây ăn quả bản địa đặc sản có chất lượng, giá trị không kém gì các giống cam Vinh, cam bù, cam Canh. Còn đối với giống lợn khùa Minh Hóa, sau khi được phục tráng và bảo tồn nguồn gen thành công đã được người dân vùng miền núi Minh Hoá đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hoá và bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ngoài ra, một số nguồn gen bản địa của địa phương vẫn đang tiếp tục được triển khai phục tráng, bảo tồn và phát triển theo hướng hàng hóa như gà ri Lạc Sơn, nếp cau, gạo Nước hai… Theo chị Đặng Thị Thu Giang- cán bộ Trung tâm Giống vật nuôi tỉnh, hiện Trung tâm đang phối hợp với Viện Chăn nuôi thực hiện đề tài bảo tồn và phát triển, thời gian thực hiện từ năm 2018-2021, với mục tiêu là phục tráng nguồn gen giống gà ri. Trên cơ sở đó, Trung tâm sẽ đánh giá hiện trạng tình hình chăn nuôi gà ri Lạc Sơn về cơ cấu đàn giống, mức độ đồng nhất về đặc điểm ngoại hình, khả năng sản xuất, sức kháng bệnh, từ đó chọn lọc và xây dựng quy trình chuẩn để phát triển giống gà này ra cộng đồng, đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của thị trường. Hiện tại, Trung tâm đang thực hiện phục tráng nguồn gen, từ đàn gà bố mẹ thu mua trong dân đã cho thu trứng và ấp nở được 1.000 gà con; sau khi nuôi 3- 4 tháng sẽ tiếp tục tuyển lựa và thải loại những con không đạt yêu cầu về độ thuần chủng.

Giống gà ri Lạc Sơn hiện đang được phục tráng, bảo tồn nguồn gen 

Còn đối với giống lúa bản địa Nước hai và nếp Cau, từ vụ Đông Xuân 2017- 2018, các xã Vạn Trạch, Phú Trạch (Bố Trạch) đã đưa vào thực hiện gieo trồng được 6 ha, năng suất khoảng 20 tạ/ha. So với con số chừng vài chục sào mà người dân 2 xã trồng trước đây, thì kết quả này là nỗ lực lớn của địa phương trong việc khuyến khích bà con trồng lại giống lúa bản địa này. Ông Nguyễn Ngọc Phương, Chủ tịch UBND xã Phú Trạch chia sẻ: Hiện tại, tỉnh đã phê duyệt danh mục dự án bảo tồn và phát triển giống lúa bản địa theo chuỗi giá trị giai đoạn từ 2018- 2020 đối với hai giống lúa này. Trong vụ sản xuất 2018-2019, xã sẽ quy hoạch vùng trồng tập trung và hỗ trợ bà con mở rộng diện tích trồng lúa Nước hai và nếp Cau với diện tích khoảng 10 ha, đồng thời liên kết với Công ty TNHH MTV An Nông để bao tiêu sản phẩm đầu ra cho bà con. Với giá bán lúa từ 30- 35 nghìn đồng/kg, dù năng suất không cao, nhưng hiệu quả kinh tế đạt khá so với sản xuất các giống lúa khác.

Có thể nói, việc bảo tồn và phát triển các giống cây, con bản địa thời gian qua đã mở ra hướng đi mới cho bà con nông dân trong việc đưa vào sản xuất quy mô hàng hoá đối với các giống cây, con giàu tiềm năng phát triển kinh tế, đặc biệt là trong bối cảnh tỉnh Quảng Bình đang hướng tới mục tiêu phát triển nền nông nghiệp bền vững theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị. Tuy nhiên, vẫn còn đó những trăn trở cần được tháo gỡ, bởi việc phát triển nhân rộng các giống cây, con bản địa vẫn đang là bài toán khó, nguyên nhân chính là do các giống cây, con đặc sản này có giá thành sản phẩm cao, năng suất hạn chế, khung thị trường hẹp...

Chia sẻ những khó khăn trong việc phục tráng, bảo tồn nguồn gen gà ri Lạc Sơn, chị Đặng Thị Thu Giang cho biết: Hiện tại, số lượng cá thể gà ri thuần chủng quá ít, quá trình nuôi giữ, chăm sóc có nhiều khó khăn, nguồn kinh phí thực hiện đề tài còn hạn hẹp... Trong khi đó, việc tiến hành chọn lọc, nhân đàn để tạo ra đàn hạt nhân gà ri Lạc Sơn, tiến tới xây dựng quy trình chăn nuôi, thú y với mục đích nâng cao năng suất và sử dụng có hiệu quả nguồn gen của giống gà này nhằm phục vụ nhu cầu thị trường là rất cấp thiết.

Còn theo Chủ tịch UBND xã Phú Trạch - Nguyễn Ngọc Phương, toàn xã hiện có khoảng 50 ha diện tích phù hợp để sản xuất 2 giống lúa Nước hai và nếp Cau, tuy nhiên, xã chỉ quy hoạch trồng 10 ha để đảm bảo đầu ra cho bà con. Nếu phát triển diện tích lớn thì cần phải có sự liên kết theo chuỗi và xây dựng thị trường tiêu thụ bền vững để tránh việc bị rớt giá. Trước mắt, xã đang quy hoạch vùng tập trung chỉ dành riêng cho việc trồng 2 giống lúa này, còn về lâu dài cũng cần phải thành lập Hợp tác xã để đứng ra hỗ trợ cho bà con trong khâu sản xuất và bao tiêu sản phẩm. 

Một vấn đề nữa là việc bảo tồn và phát triển các giống cây, con bản địa nếu chỉ dừng lại ở việc thu thập, phục tráng nguồn gen mà không kết hợp nhiều giải pháp song hành khác trong tìm kiếm thị trường, xây dựng thương hiệu thì hiệu quả của công tác bảo tồn khó được phát huy. Do đó, rất cần sự chung tay của các ngành chức năng và địa phương trong việc phát triển và xây dựng thương hiệu các giống cây, con bản địa của địa phương.

                                                                                      Ngọc Lan

TT Khuyến nông – Khuyến ngư Quảng Bình