Theo các tài liệu, sâm Bố Chính phân bố chủ yếu ở các tỉnh miền Trung từ Thanh Hóa đến Phú Yên, ngoài ra còn tìm thấy ở các tỉnh miền núi phía Bắc, như: Sơn La, Hòa Bình… Sở dĩ có tên gọi Bố Chính vì cây sâm này được phát hiện và sử dụng làm dược liệu đầu tiên ở Châu Bố Chính (nay là vùng Bố Trạch, Quảng Trạch, Quảng Bình). Đặc biệt, trước đây, sâm Bố Chính là một trong những sản vật quý được người Quảng Bình dùng để tiến vua chúa nhà Nguyễn, bởi thế nó còn được gọi là “sâm tiến vua”.

Mô hình sâm Bố Chính tại Công ty nông nghiệp Công nghệ cao Tuệ Lâm, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình

Sâm Bố Chính được nhiều đơn vị phục hồi và nhân rộng mô hình, tạo bước đột phá kinh tế về nông nghiệp tại một số tỉnh miền Trung trong thời gian qua. Đáng chú ý, với mục đích đưa sâm Bố Chính thành một sản phẩm “dinh dưỡng quốc dân” mang thương hiệu của Quảng Bình nói riêng và các tỉnh miền Trung nói chung, Công ty Nông nghiệp Công nghệ cao Tuệ Lâm (Tuệ Lâm) phối hợp với đội ngũ tiến sĩ nông nghiệp Trường Đại học Quảng Bình cùng sự hỗ trợ của các cơ quan ban ngành Trung ương và địa phương đã tiên phong trong việc nghiên cứu, khôi phục và phát triển những giá trị của loài sâm quý này. Hiện nay, Công ty Tuệ Lâm đã xây dựng và thành lập một chuỗi giá trị sản xuất bao gồm: trồng - nhân giống, thu hoạch - bảo quản và sản xuất - chế biến tạo ra một mô hình kinh tế mới mang lại hiệu quả cao cho người dân vùng “gió Lào cát trắng”.

Cùng với sự phát triển của ngành du lịch tại Quảng Bình thì việc khôi phục và đưa vào kinh doanh sản phẩm sâm Bố Chính đã góp phần giới thiệu đến du khách trong nước và quốc tế một sản phẩm đặc trưng của “Vương quốc hang động”.

Võ Đại Chung

Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Quảng Bình