Hướng phát triển ưu tiên

Người tiêu dùng hiện đã không còn xa lạ với bộ sản phẩm gồm các loại trà làm từ nấm linh chi của Hợp tác xã sản xuất nấm sạch và kinh doanh nông sản Tuấn Linh (sau đây gọi là HTX Tuấn Linh) ở xã Sơn Lộc, huyện Bố Trạch. Đây là một trong những mặt hàng nông sản của tỉnh được đầu tư chế biến sâu và đăng ký thương hiệu sản phẩm nên thuận lợi trong mở rộng thị trường tiêu thụ.

Ông Nguyễn Quốc Hương - Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Tuấn Linh chia sẻ: Sản phẩm chủ lực của HTX là nấm tươi, nấm khô các loại, thị trường chủ yếu trong tỉnh và một số tỉnh lân cận. Từ khi HTX đầu tư công nghệ chế biến và cho ra mắt bộ sản phẩm trà túi lọc từ nấm linh chi, người tiêu dùng đã biết đến sản phẩm của HTX nhiều hơn, thị trường được mở rộng ra các nước như Lào, Thái Lan, Nga... với những đơn hàng lớn có giá trị lên đến vài trăm triệu đồng.

Còn với người trồng tỏi ở Thị xã Ba Đồn, việc nông sản của họ được Công ty CP Tư vấn xây dựng 2-9 đầu tư chế biến sâu thành tỏi đen và rượu tỏi đen đã mở ra hướng đi mới trong việc phát triển thương hiệu tỏi Quảng Minh nói riêng, tỏi Ba Đồn nói chung. Từ chỗ chỉ bán sản phẩm thô tại các chợ hay thương lái đến mua tại chỗ với giá cả phụ thuộc vào thị trường với nỗi lo “được mùa” sẽ rơi vào cảnh “mất giá”, sau khi qua chế biến, giá trị của cây tỏi tía Ba Đồn được nâng lên gấp vài lần, thị trường tiêu thụ được mở rộng với những sản phẩm đạt chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Trên đây chỉ là hai trong nhiều mặt hàng nông sản của tỉnh Quảng Bình được đầu tư chế biến theo hướng tinh, sâu. Ngoài ra, tỉnh Quảng Bình còn có các sản phẩm chế biến sâu từ các loại nông sản như gạo (các loại bánh mè xát của HTX Bún bánh mè xát Tân An; lạc (sản phẩm dầu lạc Trường Thủy, Nguồn Son, Phong Nha); cà gai leo (cao cà gai leo của HTX Thanh Bình ở xã Cự Nẫm, trà túi lọc của Công ty TNHH Nông nghiệp xanh ở xã Sơn Lộc); khoai lang (sản phẩm khoai deo, khoai tẩm gừng, khoai sấy dẻo của HTX Khoai deo Lâm Hường, HTX Khoai deo Tân Định); sắn (các loại sản phẩm tinh bột sắn của Công ty Long Giang Thịnh); nghệ (tinh bột nghệ của HTX chế biến tinh bột nghệ Văn Thủy)… Các sản phẩm đang từng bước được thị trường đón nhận.

Theo ông Mai Văn Minh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Bình, chế biến sâu nông sản không chỉ góp phần đa dạng hoá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ mà hướng đi này được xem là giải pháp cốt lõi giúp gia tăng giá trị sản phẩm, từ đó nâng cao thu nhập cho người sản xuất. Thực tế, các mặt hàng nông sản nếu được chế biến sâu sẽ có giá bán cao hơn sản phẩm thô từ 20-50%, đồng thời chinh phục được đông đảo người tiêu dùng. Do đó, một loạt các mặt hàng nông sản của tỉnh như tỏi, khoai lang, gạo, lạc, cà gai leo… hiện đã được các doanh nghiệp, hợp tác xã ưu tiên đầu tư phát triển theo hướng chế biến tinh, sâu để nâng cao giá trị. Đây cũng là cách thức nhằm nâng tầm thương hiệu nông sản Quảng Bình trên thị trường trong nước và quốc tế.

Chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm

Cùng với việc ưu tiên, khuyến khích các doanh nghiệp, HTX đầu tư vào chế biến sâu các loại nông sản, tỉnh Quảng Bình còn chú trọng đến hoạt động xây dựng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm nông sản nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Nhiều mặt hàng nông sản có thương hiệu được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, như bột bánh lọc Long Giang, bánh mè xát Tân An, mật ong Tuyên Hóa, khoai deo Hải Ninh, dầu lạc Phong Nha… Bước đầu xây dựng được một số nhãn hiệu nông sản trên địa bàn như: nấm sạch Tuấn Linh, rau sạch An Nông, tinh dầu lạc Nguồn Son, Phong Nha, tiêu Phú Quý...; một số sản phẩm nông sản đã có mặt trên kệ hàng các siêu thị lớn như mật ong Tuyên Hoá, trà nấm linh chi Tuấn Linh...

Có mặt mua sắm tại điểm bán hàng của Công ty TNHH MTV An Nông tại đường Hai Bà Trưng, chị Nguyễn Thị Thanh Tâm ở Đồng Phú (Đồng Hới) chia sẻ: Là người tiêu dùng, bản thân tôi rất chú trọng đến các mặt hàng có thương hiệu. Đối với các hàng nông sản đã qua chế biến trong tỉnh như gạo P6, dầu lạc Phong Nha, nấm Tuấn Linh, thịt thỏ Ruby..., gia đình tôi thường xuyên sử dụng và rất yên tâm về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ông Mai Văn Minh chia sẻ thêm, hiện các doanh nghiệp, HTX sản xuất, kinh doanh các mặt hàng nông sản trên địa bàn tỉnh không chỉ chú trọng đến khâu chế biến, bao bì, đóng gói theo quy trình mà còn tập trung xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại cho sản phẩm để "đi được đường xa, ra được chợ lớn". Tuy nhiên, so với tiềm năng thì các sản phẩm nông nghiệp qua chế biến sâu có thương hiệu của tỉnh còn ít, chưa đa dạng; một số loại nông sản chưa được đầu tư công nghệ chế biến nên còn phụ thuộc vào thương lái hoặc rơi vào cảnh "được mùa, mất giá"...

Các HTX, doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng nông sản ở Quảng Bình rất chú trọng xây dựng thương hiệu cho sản phẩm

Để thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nhằm gia tăng giá trị cho các mặt hàng nông sản, trong thời gian tới, tỉnh Quảng Bình sẽ tiếp tục thu hút doanh nghiệp đầu tư các cơ sở, nhà máy chế biến nông, lâm, thủy sản theo hướng tinh, sâu, kết hợp với việc phát triển thương hiệu và nâng cao chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn. Đồng thời tập trung tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, xây dựng chính sách khuyến khích, hỗ trợ, quảng bá các sản phẩm đặc sản theo nhiều hình thức phong phú, đa dạng và liên kết tạo mạng lưới phân phối chặt chẽ, hiệu quả, hướng đến các thị trường tiềm năng như hệ thống các siêu thị hoặc xuất khẩu...

Ngọc Lan

Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Quảng Bình