Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT, hàng năm, toàn tỉnh gieo trồng khoảng 15.700 ha rau màu và cây công nghiệp các loại, chiếm 18% tổng diện tích trồng trọt. Cơ cấu cây trồng có sự chuyển dịch tích cực sang các loại hiệu quả kinh tế như khoai tây, hành, tỏi, cà rốt, bí xanh... Nhiều vùng chuyên canh như vùng rau Hòa Đình, Võ Cường (thành phố Bắc Ninh) cho thu nhập từ 160 - 170 triệu đồng/ha/năm, vùng sản xuất cà chua tại Thụy Hòa, Tam Giang (Yên Phong) cho thu nhập gần 90 triệu đồng/ha/năm... Tuy nhiên, đầu ra của nông sản còn rất bấp bênh, về cơ bản rau màu được tiêu thụ tự do thông qua các chợ đầu mối. Rất ít đơn vị ký kết được hợp đồng bao tiêu nông sản cho nông dân. Số lượng sản phẩm được sơ chế để xuất khẩu còn thấp và chưa ổn định, đồng thời thường xuyên bị ép giá khi vào chính vụ.

Tiêu biểu là cây cà rốt, một sản phẩm rau màu chủ lực của Bắc Ninh đã minh chứng rõ ràng cho thực trạng này. Hiện nay, diện tích trồng cà rốt là 1.257,7ha, chiếm 14,3% tổng diện tích cây thực phẩm, năng suất ổn định đạt 370 tạ/ha/năm, sản lượng đạt 46.919 tấn. Mặc dù được trồng với quy mô lớn, hàng hóa trên các vùng đất bãi của huyện Gia Bình, Lương Tài nhưng quá trình tiêu thụ cây màu này chủ yếu vẫn phụ thuộc vào thương lái. Có những thời điểm, giá xuống quá thấp, người nông dân phải ngậm ngùi đổ bỏ vì thu hoạch cũng không bù đủ vốn.

Mới đây, UBND tỉnh tổ chức hội nghị giới thiệu năng lực, khả năng nhập khẩu của các doanh nghiệp Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia đối với sản phẩm rau và cà rốt. Đây được coi là lần mở cửa quan trọng, tạo cơ hội cho cây cà rốt Bắc Ninh tiến ra thị trường quốc tế. Trong khuôn khổ hội nghị, Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Ninh ký kết biên bản ghi nhớ xây dựng chuỗi giá trị đạt tiêu chuẩn quốc tế cho sản phẩm cà rốt với các đối tác Nhật Bản và Đài Loan. Cùng với đó, đối tác Malaysia đặt vấn đề thu mua cà rốt ngay trong quý I năm 2016. Tuy nhiên, đến nay, dù Ngành Nông nghiệp Bắc Ninh chuẩn bị sẵn sàng và đã qua thời điểm “hẹn” nhưng vẫn chưa có chuyến hàng nào được xuất đi. Đầu ra xuất khẩu của nông sản Bắc Ninh tưởng chừng như rộng mở giờ lại bị động theo nhu cầu của các doanh nghiệp kết nối.

Theo ý kiến của các nhà chuyên môn, để tạo uy tín với đối tác nước ngoài và tạo thuận lợi cho hoạt động giao thương trong lĩnh vực nông sản, nhất thiết phải có doanh nghiệp tại địa phương đứng ra làm đầu mối. Đây sẽ là chủ thể kiểm soát từ khâu sản xuất, thu gom, giải quyết các thủ tục liên quan và bảo đảm tiêu chuẩn do các thị trường nước ngoài đặt ra. Bởi ở đó, những yếu tố liên quan đến an toàn thực phẩm và môi trường rất được coi trọng. Trong khi, thực tế chất lượng nông sản vẫn là vấn đề khiến các nhà quản lý Bắc Ninh đau đầu. Toàn tỉnh mới chỉ có khoảng 500ha rau màu được sản xuất theo hướng an toàn, sản lượng 10.000 tấn, chiếm 6% tổng sản lượng rau.Trong đó, chỉ có 17,6 ha được cấp giấy chứng nhận rau VietGAP. Quá trình sơ chế bảo quản vẫn tiến hành thủ công là chính, công nghệ bảo quản và phương tiện vận chuyển còn thiếu, lạc hậu dẫn đến chất lượng sản phẩm thấp, giá thành cao.

Bà Trần Thị Hòa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Ninh nhận định: Để đáp ứng các yêu cầu của nhà nhập khẩu cũng như tạo sự ổn định trong đầu ra của nông sản, thời gian tới, Ngành Nông nghiệp tích cực đẩy mạnh tiến độ thực hiện Đề án Phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với mục tiêu, đến trước năm 2020 sẽ có 14 vùng sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap. Tỉnh hỗ trợ kinh phí tuyên truyền, tập huấn chuyển giao kỹ thuật; máy móc thiết bị phục vụ sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản thực phẩm... Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các ngành hoàn thiện đề án sản xuất, tiêu thụ cà rốt và xây dựng lộ trình phát triển các vùng sản xuất cà rốt bằng việc thành lập HTX chuyên ngành, dành kinh phí từ nguồn sự nghiệp khoa học để ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong chọn giống, vật tư và tập huấn quy trình sản xuất nông sản đạt tiêu chuẩn quốc tế cho nông dân.

Theo báo Bắc Ninh