Đặc biệt diện tích lúa thơm ở Sóc Trăng phát triển nhờ vào việc chọn tạo thành công các giống lúa thơm cao sản mới, cũng như các giống lúa ST, đáp ứng cả 2 tiêu chuẩn là năng suất và chất lượng nên được người tiêu dùng ưa chuộng và nông dân đánh giá cao, đưa vào sản xuất, đã đem lại nguồn thu nhập ổn định.

Chia sẻ của doanh nghiệp...

Anh hùng lao động Hồ Quang Cua - đại diện DNTN Hồ Quang Trí (Trần Đề) chia sẻ, việc nâng cao chất lượng gạo là một trong những vấn đề trọng tâm, người sản xuất trực tiếp phải đặc biệt lưu tâm, vì hiện tại trên thị trường có nhiều cấp độ gạo khác nhau và Sóc Trăng đang phát triển mạnh việc sản xuất gạo thơm, gạo đặc sản. Do vậy, giải pháp trước mắt để nâng cao chất lượng gạo là người dân phải sử dụng giống lúa cấp xác nhận thay cho những giống lúa thông thường và không nên lấy lúa lương thực làm giống sẽ làm giảm chất lượng lúa gạo qua nhiều năm canh tác và sẽ làm mất đi thương hiệu hạt gạo. Đồng thời, việc chọn lựa giống lúa gieo sạ phải phù hợp với từng vùng, từng địa phương và tùy vào thời tiết nhằm đảm bảo chất lượng gạo luôn ổn định. Ngoài ra, để tiêu thụ tốt trên thị trường thì các ngành liên quan cần phải xây dựng chỉ dẫn địa lý cho hạt gạo Sóc Trăng, cũng như việc ký kết hợp đồng giữa người dân và doanh nghiệp cần dựa trên tinh thần “hợp tác đôi bên cùng có lợi và phải giữ đúng chữ tín trong mua bán”.

Còn theo ông Nguyễn Văn Miền - DNTN Châu Hưng, thị trấn Hưng Lợi (Thạnh Trị) nhìn nhận, sau nhiều năm thăng trầm của ngành lương thực thì doanh nghiệp cũng đã nếm trải khó khăn và để tồn tại, doanh nghiệp đã rút ra kinh nghiệm là tìm hiểu nhu cầu thị trường cần những loại gạo như thế nào, sau đó sẽ định hướng loại gạo nhập về và đưa ra thị trường nhằm phục vụ tốt nhu cầu người tiêu dùng. Bên cạnh đó, để hạt gạo luôn đảm bảo chất lượng, doanh nghiệp đã xây dựng vùng nguyên liệu tập trung cũng như ký kết bao tiêu với người nông dân trên địa bàn thị trấn và sản phẩm gạo chủ lực của doanh nghiệp là gạo Tài Nguyên Thạnh Trị đã cấp nhãn hiệu khai thác nên sản phẩm được người tiêu dùng biết đến.

Ông Miền cho rằng, với gạo Tài Nguyên, để chất lượng luôn “đạt chuẩn”, người sản xuất không sử dụng các loại phân bón, thuốc hóa học, như thế chất lượng gạo sẽ trở lại “nguyên sơ” như mấy mươi năm về trước và người tiêu dùng luôn an tâm sử dụng. Chính vì vậy, gạo Tài Nguyên Thạnh Trị đã và đang đứng vững trên thị trường từ “quy trình” sản xuất lúa sạch.

Tâm tư người sản xuất...

Đại diện HTX Nông nghiệp xã Thuận Hòa (Châu Thành) Phạm Minh Thành cho rằng, sản phẩm gạo Sóc Trăng cần có biện pháp can thiệp để nâng giá trị hạt gạo. Từ đó, giá thành được nâng lên, hiệu quả cao hơn và nên triển khai các mô hình sản xuất lúa theo phương pháp hữu cơ thì chất lượng gạo sẽ tốt hơn. Qua đó, ngành liên quan cần xem xét cách hỗ trợ nông dân sử dụng phân hữu cơ hiệu quả, hợp lý, nâng cao chất lượng sản phẩm sau thu hoạch; khuyến cáo nông dân sử dụng giống lúa canh tác phù hợp theo đặc tính từng địa phương để tăng năng suất lúa cũng như giữ được phẩm chất hạt gạo.

Còn đại diện HTX Nông nghiệp Phước An ở xã Phú Tân (Châu Thành) nhìn nhận, vấn đề đầu ra cho hạt gạo rất quan trọng, vì nếu sản xuất liên kết theo chuỗi từ khâu quy hoạch làm cánh đồng mẫu đến chọn giống lúa chất lượng, xong tới vụ thu hoạch không được doanh nghiệp bao tiêu thì người dân gặp nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ. Như thế sẽ dẫn đến tình trạng người dân sẽ chọn những giống lúa có phẩm chất gạo thấp để canh tác, vì thị trường dễ tiêu thụ hơn do giá thấp, đấy là thực tế tại nhiều địa phương.

Để nâng cao việc sản xuất lúa chất lượng cao, thì đại diện HTX Nông nghiệp Phước An đề xuất các cấp, các ngành liên quan cần xem xét, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ vùng quy hoạch sản xuất lúa đặc sản; hỗ trợ hình thành chuỗi liên kết 4 nhà; chọn chủng loại giống đặc trưng phù hợp với thổ nhưỡng từng vùng để đưa vào sản xuất; kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, bao tiêu sản phẩm theo chất lượng và định giá phải cao hơn giá thị trường và tạo điều kiện cho các HTX nông nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng, mở rộng sản xuất.

Giải pháp của ngành nông nghiệp...

Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành Nguyễn Công Định đề xuất, tỉnh cần cơ cấu lại nguồn giống lúa của tỉnh, đẩy mạnh nghiên cứu các loại giống đặc sản phù hợp với từng vùng, từng địa phương để khuyến cáo và định hướng sản xuất, đặc biệt là những giống lúa thơm có thể gieo trồng trong vụ Xuân - Hè có khả năng chống chịu hạn; có cơ chế, chính sách riêng hỗ trợ HTX về thu mua bao tiêu, đầu tư công nghệ, vốn sản xuất cho các HTX xây dựng vùng nguyên liệu cho lúa đặc sản theo hướng VietGAP, hữu cơ. Chỉ đạo các doanh nghiệp, cơ sở, nhà hàng, siêu thị ưu tiên sử dụng các loại gạo đặc sản trong tỉnh...

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Huỳnh Ngọc Vân cho biết, tổng diện tích gieo trồng lúa đặc sản trên địa bàn toàn tỉnh khoảng 122.000ha, sản lượng 700.000 tấn. Chính vì vậy, việc nâng cao thương hiệu, quảng bá sản phẩm gạo thơm, gạo đặc sản Sóc Trăng luôn được ngành quan tâm bằng công tác tổ chức sản xuất, nâng cao chất lượng, năng suất. Do đó, giải pháp trước mắt là ngành nông nghiệp sẽ tăng cường công tác xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu sản phẩm gạo thơm, gạo đặc sản gắn với việc phát triển sản xuất để đưa thương hiệu gạo thơm Sóc Trăng phát triển rộng rãi trên thị trường.

Theo báo Sóc Trăng