Khó khăn chồng chất

Thu hoạch xong một phần diện tích mía được vài ngày, nhưng anh Nguyễn Hoàng Minh ở xã Đại Ân 1 không phấn khởi như những mùa vụ trước mà còn lo âu cho 2ha mía còn lại. Anh Minh cho biết: “Năm nay tôi trồng 3ha mía, vừa thu hoạch được gần 1ha, vụ mía năm nay chi phí nhân công khá mắc, còn phương tiện vận chuyển thì khá đắt và khó tìm. Sau khi bán 1ha xong, tôi còn 2ha ngoài rẫy vẫn chưa tìm được ghe chở đem bán ở nhà máy đường”. Không chỉ vậy, sau khi trừ các khoản chi phí từ 1ha mía đã bán, anh Minh cho biết thêm: “Vụ mía năm nay không có lãi và đang dành 1ha đất để chuyển qua nuôi tôm”.

Chi phí thuê đắt và khó tìm nhân công cũng ảnh hưởng đến tiến độ thu hoạch mía

Vấn đề về giá cả, nhân công và phương tiện vận chuyển là nguyên nhân chính khiến mùa thu hoạch mía năm nay trở nên trầm lắng hơn. Với năng suất bình quân khoảng 12 tấn/công, trong khi giá bán ra tại nhà máy đường được 900 đồng/kg, nhiều hộ cho biết, sau khi trừ chi phí sẽ lỗ, khó đủ vốn để tái sản xuất cho mùa vụ tới.

Qua khảo sát giá hiện tại, ông Nguyễn Văn Nhường ở xã Đại Ân 1 buồn rầu: “Năm nay, mía đạt 10 chữ đường bán tại nhà máy chỉ có 900 đồng/kg, năm rồi được 1.100 đồng/kg. Còn bán cho thương lái tại rẫy dao động từ 400 - 500 đồng/kg (tùy theo đường vận chuyển xa hay gần). Với mức giá này, 2ha mía của tôi sẽ cầm chắc lỗ, khó đủ vốn tái đầu tư cho vụ tới. Qua nhiều năm trồng mía, năm nay là năm gặp nhiều khó khăn”.

Theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cù Lao Dung, niên vụ 2017 - 2018, địa bàn huyện có hơn 6.000ha mía, hiện đang thu hoạch khoảng 40%. Trong điều kiện thời tiết nắng nóng và tình hình xâm nhập mặn đang diễn ra nên nhiều nhà nông cũng lo lắng không thu hoạch kịp mía sẽ khô, năng suất và chữ đường càng giảm.

Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cù Lao Dung Hồ Thanh Kiệt cho biết: “Tiến độ thu hoạch mía hiện tại còn chậm so với cùng kỳ do niên vụ trước xuống giống trễ, địa phương khuyến cáo bà con cố gắng thu hoạch dứt điểm vào tháng 5. Để kịp tiến độ, huyện đang chỉ đạo thành lập các tổ đội, phối hợp với các công ty mía đường để hỗ trợ phương tiện cho bà con thu hoạch mía”.

Niên vụ mía 2017 - 2018 được xem là 3 năm liên tiếp nhà nông trồng mía ở huyện Cù Lao Dung phải đối mặt với nhiều nỗi lo về thời tiết, giá cả, nhân công lao động. Nếu niên vụ mía 2015 - 2016 xảy ra hạn, xâm nhập mặn, nhiều diện tích mía mất trắng thì đến niên vụ mía 2016 - 2017, nhiều nhà nông cũng gặp khó khăn về giá cả và thiếu hụt nhân công thu hoạch. Riêng năm nay, ngoài vấn đề giá cả, nhân công, thì tình trạng thiếu phương tiện vận chuyển đã gây trở ngại lớn cho nhiều hộ, nhất là các rẫy mía ở cách xa đường vận chuyển, lá khô xơ xác, vẫn chưa thu hoạch được. Thậm chí, nhận thấy cầm chắc lỗ nên có trường hợp nông dân bỏ mía tại rẫy không muốn thu hoạch.

Thiếu phương tiện vận chuyển đang là khó khăn chung của niên vụ mía 2017 - 2018 ở Cù Lao Dung

Chuyển đổi cây trồng nào bền vững?

Qua những năm liên tiếp trồng mía gặp khó khăn, nhiều nông dân cũng đã tính toán đến việc chuyển đổi sang cây trồng, vật nuôi khác để đảm bảo thu nhập, ổn định kinh tế. Tuy nhiên, việc chuyển đổi sang cây trồng nào cho bền vững vẫn còn là bài toán khó. Trước những khó khăn này, lãnh đạo tỉnh, các ngành chức năng và địa phương đã nhiều lần họp bàn nhằm tìm ra giải pháp cho sản xuất và tiêu thụ mía. Qua đó, giải pháp chuyển đổi diện tích mía kém hiệu quả để canh tác các loại cây trồng khác đang được triển khai.

Phó Chủ tịch UBND xã Đại Ân 1 Trần Trung Ngoan cho biết: “Năm 2018, xã Đại Ân 1 dự kiến sẽ chuyển đổi 200ha mía ở những nơi khó khăn, xa đường vận chuyển sang trồng các loại như: dừa, bưởi, nhãn. Sau khi kết thúc vụ mía năm nay, UBND xã sẽ tiếp tục vận động bà con chuyển đổi sang cây trồng khác”.

Đồng chí Hồ Thanh Kiệt thông tin thêm: “Ngành nông nghiệp địa phương đã tham mưu UBND huyện xây dựng kế hoạch chuyển đổi một phần diện tích mía kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản và cây trồng khác. Trước đây, theo đề án tái cơ cấu, ngành nông nghiệp đã đầu tư hỗ trợ nông dân chuyển đổi sang đối tượng cây trồng như: xoài, nhãn, bưởi và hiện những loại cây này đang phát triển tốt”.

Việc chuyển đổi từ diện tích mía kém hiệu quả sang cây trồng, vật nuôi khác là cần thiết để giải quyết khó khăn chung cho cả nông dân và cơ quan quản lý nhà nước. Để việc chuyển đổi đem lại hiệu quả mà vẫn giữ được vùng nguyên liệu mía đường của tỉnh thì cần có sự liên kết giữa nông dân, doanh nghiệp, nhà khoa học và sự hỗ trợ của Nhà nước để sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ. Khi mối liên kết này chặt chẽ và hiệu quả sẽ thúc đẩy việc canh tác mía phát triển ổn định, bền vững hơn.

Theo báo Sóc Trăng