Tham dự Hội thảo có ông Nguyễn Duy Ân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT; ông Harald Puhl, Giám đốc điều hành Công ty KIAG tại Tây Ninh; đại diện lãnh đạo các chi cục, Trung tâm Khuyến nông, phòng nông nghiệp và PTNT huyện, phòng Kinh tế thành phố Tây Ninh; các công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), chủ trang trại sản xuất cây ăn quả tiêu biểu trên địa bàn tỉnh.

Toàn cảnh hội thảo

Tháng 02/2018, Sở Nông nghiệp và PTNT Tây Ninh đã ký thỏa thuận với Công ty KIAG về việc triển khai thực hiện phần mềm truy xuất nguồn gốc cây trồng (KIPUS) tại Tây Ninh. Theo đó Công ty KIAG sẽ trực tiếp ký hợp đồng với các cơ sở tham gia, chi phí hợp đồng dựa trên cơ sở thương lượng và thống nhất giữa hai bên.

Đến thời điểm này, tỉnh Tây Ninh đã thực hiện thí điểm  phần mềm điện tử truy xuất nguồn gốc cây trồng tại 02 cơ sở là HTX Xoài tứ quý Thạnh Bắc và Công ty TNHH Sáu Như Một.

Cuối năm 2018, 02 cơ sở trên đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP cho sản phẩm của mình. HTX Xoài tứ quý Thạnh Bắc gồm có 13 thành viên, có diện tích trồng xoài lên 20,42 ha, sản lượng dự kiến 400 tấn/năm. Công ty TNHH Sáu Như Một gồm có 06 thành viên, sản xuất bưởi da xanh với diện tích 50 ha, sản lượng dự kiến 750 tấn/năm .

Phát biểu tại hội thảo, đại diện Công ty Sáu Như Một cho biết: “Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng như hiện nay, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn được coi là yêu cầu cần thiết. Trong quá trình đó không thể không nhắc đến việc áp dụng kỹ thuật công nghệ tiên tiến trong quá trình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, trong đó chú trọng đến việc đưa ra thị trường những loại sản phẩm an toàn cho người sử dụng, vì thế Công ty của chúng tôi đã từng bước áp dụng theo quy trình sản xuất an toàn và đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP 50 ha bưởi da xanh. Việc ứng dụng phần mềm KIPUS có thể giúp chúng tôi xác định được sản phẩm của từng lô sản xuất hay khu vực sản xuất thông qua bản đồ định vị (google map) của từng khu vực trang trại; sử dụng đúng loại và đúng cách phân bón, thuốc BVTV thông qua cảnh báo của phần mềm, giúp giảm được chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất. Đối với sản phẩm thì có thể kiểm tra, giám sát được cả quá trình từ khi gieo trồng đến khi thu hoạch, từ đó tạo ra những sản phẩm an toàn cung cấp cho thị trường và người tiêu dùng”.

Việc áp dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc (KIPUS) giúp người sản xuất quản lý được quá trình sản xuất của mình, nắm được đầu vào, đầu ra sản xuất, giúp minh bạch hóa, truy nguyên sản phẩm khi có yêu cầu. Để việc áp dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc có hiệu quả và nhân rộng trong thời gian tới, cần có chính sách hỗ trợ một phần kinh phí cho các cơ sở tham gia làm điểm trình diễn mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Trần Thế Minh

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh