Anh Đức Anh cho biết, gia đình anh từng đầu tư chăn nuôi lợn nhưng những năm gần đây, giá thức ăn liên tục tăng mà giá lợn hơi bán ra ngoài thị trường thấp. Bên cạnh đó dịch bệnh lại thường xuyên đe dọa, đặc biệt đầu năm 2019, dịch tả lợn châu Phi bùng phát, lây lan nhanh ở các địa phương khiến chăn nuôi lợn hầu như không có lãi, thậm chí thua lỗ. Nhận thấy nhu cầu tiêu thụ thịt ngan trên thị trường ngày càng cao, trong khi đó nguồn cung còn hạn chế nên gia đình anh chuyển sang chăn nuôi giống ngan Pháp R71.

Theo kinh nghiệm của anh, chăn nuôi ngan R71 đòi hỏi khâu vệ sinh chuồng trại, bãi chăn thả sạch sẽ, thoáng mát, đủ ánh sáng và  thực hiện đúng quy trình chăn nuôi hàng ngày, cung cấp đủ thức ăn, phòng trừ dịch bệnh tốt thì ngan sinh trưởng rất nhanh. Mật độ nuôi cũng rất quan trọng, nếu không đảm bảo, ngan bị bệnh và phát triển kém. Mật độ nuôi phù hợp như sau: Ngan giai đoạn từ 0 – 4 tuần tuổi  là 15 – 20 con/m2 nền chuồng, từ 9 – 12 tuần 5 – 7 con/m2. Đồng thời diện tích sân chơi phải đảm bảo bằng 2 lần diện tích nền chuồng. Ngoài ra, phải chọn cơ sở cung cấp con giống uy tín, chất lượng giống đảm bảo mới thu được hiệu quả cao.

Hiện nay gia đình anh nuôi 500 con ngan Pháp giống R71. Đối với ngan cái anh nuôi khoảng 65 ngày là xuất bán, trọng lượng đạt 2,8 – 3,0 kg/con. Ngan đực anh nuôi 84 ngày xuất bán khi trọng lượng đạt 5,0 – 5,5 kg/con. Với giá bán ngan thương phẩm 50.000 đồng/kg, trừ chi phí mỗi lứa anh thu lãi khoảng 40 – 45 triệu đồng. Một năm anh nuôi 3 lứa (còn lại là thời gian để trống chuồng), gia đình thu lãi khoảng 120 – 130 triệu đồng.

Có được kết quả thành công như vậy là do anh chịu khó học hỏi, tìm tòi theo hướng đi mới và áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Bên cạnh đó anh còn chia sẻ kinh nghiệm cho bà con trong và ngoài xã để phát triển đàn ngan thịt thương phẩm cho thị trường trong và ngoài tỉnh.

Anh là tấm gương vươn lên làm giàu nhờ chuyển đổi vật nuôi kịp thời, hiệu quả, làm giàu trên mảnh đất quê hương mình.

Phạm Thị Xuyên

Trung tâm Khuyến nông Thái Bình