Các sản phẩm bày bán tại chợ phiên đảm bảo đạt các tiêu chí về an toàn thực phẩm...

Chợ phiên thu hút 18 đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã, với 24 gian hàng tham gia buôn bán các sản phẩm nông nghiệp (gồm rau củ quả, thịt, trứng…) đạt chứng nhận VietGAP, GlobalGAP và có tham gia chuỗi thực phẩm an toàn của Thành phố.

Các sản phẩm bày bán tại chợ phiên, được các đơn vị thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT, gồm Phòng Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Chi cục Bảo vệ thực vật, Chi cục Thú y, Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản… kiểm tra từ khâu sản xuất, vận chuyển, lưu thông, phân phối đến khu vực buôn bán tại chợ phiên đảm bảo đạt các tiêu chí về an toàn thực phẩm, VietGAP, GlobalGAP.

Từ năm 2013 đến nay, Ban Quản lý đề án chuỗi thực phẩm an toàn Thành phố đã cấp 96 giấy chứng nhận cho trang trại, cơ sở sản xuất, sơ chế vào chuỗi cho 55 cơ sở thuộc địa bàn Thành phố và 11 tỉnh, với sản lượng 45.407 tấn/năm, 655.000 quả trứng/ngày và 4,4 triệu lít nước mắm/năm.

Sở Nông nghiệp và PTNT TP.HCM cũng đã giao cho Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp chứng nhận VietGAP trong lĩnh vực trồng trọt cho 20 tổ chức, cá nhân sản xuất rau với tổng diện tích 34,50 ha diện tích canh tác, tương đương 158,53 ha diện tích gieo trồng, sản lượng ước tính 2.979,26 tấn/năm. Lũy kế từ khi triển khai chương trình đến nay, đã chứng nhận cho 815 tổ chức, cá nhân, với tổng diện tích 532,11 ha, tương đương 2.748,87 ha diện tích gieo trồng, sản lượng dự kiến 57.635,49 tấn/năm. Trong đó, số tổ chức, cá nhân còn hạn 382, tương đương 306,29 ha diện tích canh tác, tương đương 1.122,70 ha diện tích gieo trồng, sản ượng ước tính 23.904,89 tấn/năm.

Chợ phiên nông sản an toàn góp phần tạo thói quen người tiêu dùng sử dụng sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm

Với lĩnh vực chăn nuôi, Sở cũng đã giao cho Ban Quản lý Dự án cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm (LIFSAP) chứng nhận 744/848 hộ chăn nuôi heo tham gia mô hình, với tổng đàn 45.678/49.536 con.

Dự kiến chợ phiên nông sản an toàn sẽ được tổ chức 2 lần/tháng. Với mục đích hỗ trợ cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn an toàn tham gia giới thiệu, quảng bá sản phẩm đến với người tiêu dùng. Tạo thói quen người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, VietGAP, GlobalGAP… Tư vấn và giải đáp các thắc mắc của người tiêu dùng về các sản phẩm nông nghiệp đạt chứng nhận VietGAP; quy trình sản xuất VietGAP; nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm,… tạo niềm tin với người tiêu dùng khi sử dụng sản phẩm.

Đăng Kiệt