GDP tăng thêm hơn 23 tỷ USD năm 2020

Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, TPP là một trong những hiệp định tham vọng nhất từ trước đến nay, đây chính là con đường để mở ra tương lai tăng trưởng mạnh mẽ cho các nước tham gia, trong đó có Việt Nam. 

Về mặt kinh tế, theo tính toán của các chuyên gia kinh tế độc lập, TPP sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 23,5 tỷ USD vào năm 2020 và 33,5 tỷ USD vào năm 2025. 

Đáng chú ý là việc các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản và Canada giảm thuế NK về 0% sẽ giúp tạo ra cú hích lớn đối với hoạt động XK của nước ta. Các ngành XK quan trọng như dệt may, giày dép, thủy sản... nhiều khả năng sẽ có bước phát triển vượt bậc về kim ngạch sang các thị trường này. 

“Ngoài ra, tham gia TPP sẽ giúp Việt Nam có được các cơ hội mới từ chuỗi cung ứng mới hình thành sau khi TPP có hiệu lực. Các nước TPP chiếm tới 40% GDP và 30% thương mại toàn cầu, lại bao gồm các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, chắc chắn sẽ mở ra rất nhiều cơ hội khi chuỗi cung ứng mới hình thành. 

Thêm vào đó, cam kết trong TPP về dịch vụ và đầu tư dự kiến sẽ có tác dụng tích cực trong việc cải thiện môi trường đầu tư, góp phần thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài”, ông Hoàng nói. ​ 

Theo người đứng đầu ngành Công thương, việc tham gia TPP sẽ là cơ hội để Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế, trong đó có thể chế kinh tế thị trường; hỗ trợ cho tiến trình đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, đồng thời giúp Việt Nam có thêm cơ hội để hoàn thiện môi trường kinh doanh theo hướng thông thoáng, minh bạch và dễ dự đoán hơn. 

“Thêm vào đó, Hiệp định TPP với các tiêu chuẩn rất cao về quản trị minh bạch và hành xử khách quan sẽ giúp Việt Nam tiếp tục hoàn thiện bộ máy quản lý Nhà nước theo hướng tinh gọn, trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh cải cách hành chính; tăng cường trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương và phòng chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu”, ông Hoàng phân tích. 

Cũng theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, về mặt xã hội, tham gia TPP sẽ tạo ra các cơ hội giúp nâng cao tốc độ tăng trưởng. Hệ quả là sẽ tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập và góp phần xóa đói giảm nghèo. Tăng trưởng kinh tế cũng giúp Việt Nam có thêm nguồn lực để cải thiện chất lượng nguồn nhân lực và chăm sóc sức khỏe cộng đồng. 

Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ, khi tham gia TPP, Việt Nam sẽ phải mở cửa nhanh và mạnh thị trường nội địa của mình cho hàng hóa, dịch vụ từ các nước đối tác. Như vậy, việc giảm thuế quan đối với hàng hóa từ các nước đối tác TPP sẽ làm giảm nguồn thu ngân sách từ thuế NK và làm cho cạnh tranh trong nước gay gắt hơn. 

Ngoài ra, Việt Nam sẽ gặp bất lợi từ việc mở cửa các thị trường dịch vụ. Với TPP, sự tham gia mạnh mẽ và tự do hơn của các nhà cung cấp có tiềm lực lớn, có kinh nghiệm lâu năm, có ưu thế về dịch vụ trên thế giới đặc biệt là các nhà cung cấp dịch vụ Mỹ có thể khiến cho các đơn vị cung cấp dịch vụ của Việt Nam gặp khó khăn nghiêm trọng.... 

“Đấy là chưa kể đến những bất lợi từ việc thực thi các yêu cầu cao về môi trường, lao động, cạnh tranh… và các ràng buộc mang tính thủ tục khi ban hành các quy định liên quan đến rào cản kỹ thuật, vệ sinh dịch tễ. Bất lợi từ việc thực thi các yêu cầu cao liên quan đến việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Bất lợi từ việc mở cửa thị trường mua sắm công”, TS Cung cho hay. 

Cơ hội cho thủy sản, đồ gỗ 

Phân tích về những thuận lợi của TPP đối với lĩnh vực XK nông sản, TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách chiến lược phát triển NN-NT, cho rằng, đây là một trong những hiệp định thương mại lớn, mở ra rất nhiều cơ hội cho XK nông sản Việt, đặc biệt là tại các thị trường mới. 

“Bình thường, thị trường các nước khác tiến hành bảo hộ cho ngành nông nghiệp trong nước khá mạnh. Nhưng khi TPP có hiệu lực, nông sản Việt sẽ vượt qua được yếu tố này, có khả năng đẩy lượng XK tăng cao”, TS Tuấn cho biết. 

Một trong những thuận lợi đầu tiên là lĩnh vực thủy sản. Năm 2014, tổng kim ngạch XK thủy sản đạt gần 8 tỷ USD, trong đó Mỹ và Nhật là hai trong số các thị trường lớn nhất của Việt Nam. Khi TPP có hiệu lực, thuế NK thủy sản vào 2 thị trường này trở về 0%. Với lợi thế giá thành thấp, chất lượng cao, thủy sản Việt Nam có thể gia tăng kim ngạch lên gấp đôi hiện tại. 

Đồ gỗ cũng là một trong những lĩnh vực thế mạnh của Việt Nam khi gia nhập TPP. Theo dự đoán, kim ngạch mặt hàng này năm 2015 này có thể đạt đến 7,2 tỷ USD và còn tăng hơn nhiều khi TPP có hiệu lực, nhất là thị trường Nhật Bản và Mỹ. 

“Một cơ hội khác còn lớn hơn, đó là câu chuyện đầu tư xuyên quốc gia. Đã ký kết TPP, một số nước cảm thấy không có lợi thế về nông nghiệp, lại bị ép giảm hàng rào bảo hộ nông nghiệp thì có thể họ sẽ chuyển nguồn đầu tư sang Việt Nam. Khi có đầu tư nước ngoài, bên cạnh việc tạo thêm việc làm, tăng thêm thu nhập, điều quan trọng nhất là nền nông nghiệp Việt Nam sẽ hấp thụ được khoa học kỹ thuật mới, thay đổi được cách làm truyền thống kém hiệu quả”, TS Tuấn nói. 

Ví dụ, nếu một nhà đầu tư tại Nhật hoặc Mỹ liên doanh với DN trong nước, họ đã nắm được thông tin về thị trường, nhu cầu cũng như tiêu chuẩn cụ thể thì họ sẽ đưa quy trình công nghệ phù hợp để phía Việt Nam có thể SX theo đúng nhu cầu của khách hàng bên Nhật hay bên Mỹ. Đó là điều kiện rất tốt để chúng ta hòa nhập với chuỗi giá trị toàn cầu, dần dần tăng lượng nông sản XK.

Nhưng, theo TS Tuấn, để hạn chế hàng rào kỹ thuật, nâng cao chất lượng nông sản, sẵn sàng gia nhập TPP, cần nâng cao chất lượng, hiệu quả và đi theo cả toàn bộ chuỗi. Đó là tổ chức lại SX, liên kết giữa các bên lại, tăng hàm lượng chế biến, tăng hàm lượng về quản lý chất lượng sản phẩm cũng như khẳng định thương hiệu. “Làm được những điều này sẽ giúp tăng chất lượng sản phẩm cũng như tăng thêm giá trị mới để chia cho các bên trong các chuỗi giá trị. Khi đó các bên tham gia mới nâng cao ý thức để làm cho tử tế ở mọi khâu, đảm bảo chất lượng và dần thúc đẩy XK gia tăng”, TS Tuấn khẳng định.

Theo báo NNVN