Về nhu cầu tiêu thụ thịt gia súc gia cầm theo số liệu tính toán của Sở Công thương ước tính sản phẩm thịt gia súc gia cầm đã sử dụng của Hà Nội năm 2013 là 272.000 tấn (745,2 tấn/ngày), trong đó thịt trâu bò là 30.783 tấn (84,3 tấn/ngày), thịt lợn là 179.652 tấn (492,2 tấn/ngày), thịt gia cầm là 61.565 tấn (168,7 tấn/ngày). Dự tính, nhu cầu tiêu thụ thịt gia súc, gia cầm của Hà Nội năm 2015 là 314 nghìn tấn (tăng 13% so với năm 2013) (872,2 tấn/ngày), trong đó thịt trâu bò là 36.011 tấn (100 tấn/ngày), thịt lợn là 205.970 tấn (572,1 tấn/ngày), thịt gia cầm là 72.021 tấn (200,1 tấn/ngày).

Theo tính toán của các nhà quản lý, bình quân tiêu thụ một số sản phẩm chăn nuôi chính của Việt Nam năm 2014 đối với thịt hơi gia súc, gia cầm ước tính là 50 kg/người/năm (trong đó thịt gà là 11,5 kg; thịt lợn là 35,7 kg, thịt bò là 2,8 kg); trứng gia cầm là 88,74 quả/người/năm; sữa là 5,81 lít/người/năm. Mức tiêu thụ này  thấp hơn rất nhiều các nước trên thế giới, như bình quân tiêu thụ thịt gà của như Malaysia là 49,5 kg/người/năm; Mỹ là 47,5 kg/người/năm.

Về giết mổ, chế biến, vận chuyển sản phẩm chăn nuôi  trên địa bàn Hà Nội hiện có 06 cơ sở giết mổ công nghiệp, 14 cơ sở giết mổ tập trung bán công nghiệp và có 5 cơ sở  giết mổ tập trung thủ công. Các cơ sở giết mổ này hàng này giết mổ khoảng 322 tấn thịt (gồm 254 tấn thịt gia súc, 68 tấn thịt gia cầm), chiếm 45%. Còn lại khoảng 2.490 điểm, hộ giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ trong khu dân cư chưa với số lượng giết mổ khoảng 396 tấn thịt gia súc, gia cầm/ngày. Sản lượng giết mổ khoảng 396 tấn thịt gia súc, gia cầm/ngày, chiếm tỷ lệ 55%.

Về kinh doanh thịt gia súc, gia cầm Hà Nội hiện có 1.042 chợ và 417 siêu thị, cửa hàng kinh doanh sản phẩm thịt gia súc, gia cầm. Có 4.194 cơ sở tiêu thụ các sản phẩm gia súc gia cầm như nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể có sử dụng và bảo quản sản phẩm gia súc, gia cầm tươi sống.

Với sự cố gắng của các cấp, các ngành những năm qua Hà Nội đã tập trung xây dựng các chuỗi liên kết từ chăn nuôi đến tiêu thụ sản phẩm. Hiện đã xây dựng 18 chuỗi liên kết chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm (gồm 05 chuỗi liên kết về lợn thịt; 08 chuỗi liên kết về gia cầm 04 chuỗi liên kết bao gồm cả lợn và gia cầm; 01 chuỗi liên kết về bò sữa) phát triển ổn định và hiệu quả. Trung bình mỗi ngày, các chuỗi liên kết tham gia tiêu thụ 392 ngàn quả trứng; 22 tấn thịt lợn; 11 tấn gia cầm, 150 kg thịt bò, 100 tấn sữa. Bên cạnh đó làm tốt công tác tuyên truyền cho người dân nâng cao nhận thức về việc xây dựng chuỗi liên kết tiệu thụ sản phẩm góp phần phát triển chăn nuôi  hiêu quả, bền vững.

Tuy nhiên bên cạnh kết quả đạt được việc xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi hiện đang còn nhều hạn chế, bất cập đòi hỏi phải có những thay đổi cùng sự quan tâm hơn nữa của các cấp các ngành và người chăn nuôi  người tiêu dùng. Đó là tỷ lệ chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư còn cao (chiếm gần 60% chăn nuôi toàn thành phố), tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh dịch bệnh, vệ sinh thú y, ô nhiễm môi trường. Lượng sản phẩm thịt gia súc, gia cầm có nguồn gốc, được kiểm soát tốt ATTP còn thấp. Chênh lệch giữa giá thị trường và cổng trại còn cao, người chăn nuôi thường bị các thương lái ép giá nên chưa khuyến khích được các đối tượng này quản lý tốt an toàn thực phẩm từ chăn nuôi. Nhận thức của người dân trong việc sản xuất ra sản phẩm an toàn còn hạn chế thể hiện qua việc các quy trình thực hành chăn nuôi tốt (VietGAP) chưa được áp dụng rộng rãi. Sản lượng thịt gia súc, gia cầm giết mổ tại các cơ sở nhỏ lẻ chiếm 55%, các cơ sở này không đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh thú y, gây ô nhiễm môi trường. Đầu vào của các cơ sở này không được kiểm soát dịch bệnh. Việc vận chuyển sản phẩm sau khi giết mổ hiện nay vẫn chưa đảm bảo, chủ yếu vận chuyển bằng xe máy không có thiết bị chuyên dụng, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm; vệ sinh thú y và mất mỹ quan. Việc chứng minh nguồn gốc, chất lượng sản phẩm tại các cửa hàng đảm bảo ATTP còn hạn chế; Chi phí cho hoạt động bán sản phẩm tại các cửa hàng đảm bảo ATTP cao làm giá thành sản phẩm tại các cửa hàng này khó cạnh tranh với các sản phẩm bán tại hệ thống chợ dân sinh với nhiều nguy cơ mất ATTP; Việc tuyên truyền nâng cao nhận thức, định hướng tiêu dùng đảm bảo về ATTP cho người tiêu dùng không đa dạng, liên tục và chuyên sâu. Còn thiếu chính sách đặc thù về khuyến khích phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thịt gia súc, gia cầm ATTP, có nguồn gốc. Ý thức chấp hành quy định pháp luật về kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y của người kinh doanh sản phẩm gia súc, gia cầm còn hạn chế; Tất cả những tồn tại hạn chế trên rất cần có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, cùng cộng đồng người tiêu dùng và cả xã hội mới xây dựng được sự liên kết chặt chẽ từ sản xuất đến tiêu dùng và như vậy việc xây dựng chuỗi liên kết mới đảm bảo tính khả thi và phát triển bền vững.

Những giải pháp để thực hiện tốt chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm trong thời gian tới mà TP Hà Nội đã và đang thực hiện là tập trung đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền đối với cơ sở chăn nuôi, giết mổ, chế biến, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng về sản xuất, tiêu thụ thịt gia súc, gia cầm an toàn trên các phương tiện truyền thông, tờ rơi và hội nghị, hội thảo; Tăng cường giới thiệu, quảng bá sản phẩm thịt gia súc, gia cầm an toàn để người tiêu dùng tiếp cận và sử dụng; Tổ chức các đoàn tham quan học tập trong và ngoài thành phố để tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp, chủ trang trại chủ động xây dựng chuỗi liên kết phát triển sản xuất.

Về tổ chức sản xuất sẽ tập trung tổ chức liên kết giữa các hộ chăn nuôi tạo thành nhóm sản xuất, chi hội, hội, hợp tác xã. Liên kết giữa các nhóm sản xuất với các cơ sở giết mổ, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn các quy trình thực hành chăn nuôi tốt (VietGAP) và vận hành hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến (GMP, HACCP) trong giết mổ, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; Hỗ trợ chế phẩm sinh học và ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi; Đầu tư trang thiết bị cho các cơ sở giết mổ, chế biến, vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm; Hỗ trợ xây dựng hệ thống mã hóa, nhận diện thông tin, truy xuất nguồn gốc sản phẩm từ chăn nuôi đến tiêu thụ. Hỗ trợ các cơ sở sản xuất kinh doanh tham gia chuỗi một số trang thiết bị, dụng cụ kiểm tra nhanh tại hiện trường tự giám sát một số chỉ tiêu về an toàn thực phẩm;

Bên cạnh đó các ngành chức năng tiếp tục tham mưu đề xuất để Thành phố có các chính sách hỗ trợ trực tiếp và đồng bộ đối với các khâu từ tổ chức sản xuất, giết mổ, sơ chế, vận chuyển đến tiêu thụ sản phẩm. Xây dựng tiêu chí hỗ trợ cụ thể, công khai; cơ chế hỗ trợ đơn giản, thuận tiện nhằm khuyến khích mãnh mẽ đầu tư tư nhân; Đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý chặt chẽ hoạt động giết mổ tại các cơ sở chăn nuôi, giết mổ, chế biến, cơ sở kinh doanh.

Với các giải pháp trên được triển khai đồng bộ cùng sự quan tâm hơn nữa của các cấp các ngành, sự đồng tình ủng hộ của người chăn nuôi, người tiêu dùng “thông thái” chắc chắn các chuỗi từ liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi  sẽ có bước chuyển biến mạnh mẽ trong thời gian tới./.

Nguyễn Ngọc Sơn

Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội