Cũng theo ông Hoàng Trung, hiện tất cả các vấn đề kỹ thuật để đưa quả vải sang Nhật Bản đã hoàn tất, từ vấn đề cấp mã số vùng trồng cho đến cấp mã số cho các cơ sở đóng gói, đặc biệt là thiết lập hệ thống xử lý theo yêu cầu của Nhật Bản.

Hiện nay, quả vải đang sinh trưởng và phát triển tốt, tuy nhiên theo Cục Bảo vệ thực vật, vấn đề quan trọng thời điểm này là phòng, chống các loại sâu bệnh gây hại trên quả vải. Đó là bệnh thán thư, mốc sương và quan trọng nhất là sâu đục cuống quả vải đã phát sinh, bắt đầu gây hại. Cục Bảo vệ thực vật đã cử cán bộ phối hợp cùng địa phương để phòng, chống các loại sâu bệnh và có chương trình giám sát an toàn thực phẩm riêng đối với quả vải.

Năm nay, tỉnh Bắc Giang có trên 28.000 ha vải, sản lượng ước đạt trên 160.000 ha, tăng 10.000 tấn so với năm 2019; trong đó vải sớm là 6.000 ha, sản lượng 45.000 tấn; vải thiều chính vụ trên 22.100 ha, sản lượng 115.000 tấn.

Để chuẩn bị cho quả vải thiều tươi đầu tiên cho xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, tỉnh Bắc Giang đã phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật chọn lựa và đề nghị phía Nhật Bản chấp thuận 19 mã số vùng trồng với diện tích 103 ha, sản lượng ước đạt 600 tấn ở huyện Yên Thế và Lục Ngạn.

Ông Dương Văn Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, trước diễn biến dịch COVID-19 còn phức tạp, Bắc Giang đã đưa ra 3 kịch bản cho xuất khẩu quả vải. Kịch bản thuận lợi nhất là xuất khẩu được sang tất cả các thị trường; kịch bản thứ hai là xuất khẩu có khó khăn, nhưng vẫn có thể xuất khẩu được; kịch bản thứ ba trong bối cảnh khó khăn nhất là không xuất khẩu được và khi đó chỉ là thị trường nội địa.

Tỉnh Hải Dương có 9.700 ha vải, dự kiến tổng sản lượng quả đạt 45.000 tấn. Tỉnh đã xây dựng 23 vùng trồng vải, nhãn theo tiêu chuẩn quốc tế với tổng diện tích 220 ha. Để chuẩn bị cho vụ vải 2020, tỉnh chủ động giám sát chặt chẽ vùng trồng và tổ chức các hoạt động kết nối tiêu thụ vải. Vùng trồng này đáp ứng tiêu chuẩn của các thị trường Nhật Bản, Mỹ, Australia và các nước EU về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm.

Để xúc tiến đưa quả vải tươi của Việt Nam lần đầu tiên sang thị trường Nhật Bản trong năm 2020, Bộ Công thương cũng đã có công văn đề nghị Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản làm việc với Bộ Nông Nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản để thuyết phục phía bạn xem xét các giải pháp khác thay cho việc phải cử chuyên gia sang Việt Nam kiểm tra cơ sở khử trùng./.

Theo TTXVN