Đức, Hoa Kỳ và Italy tiếp tục là ba thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam trong những tháng đầu năm 2020 với thị phần lần lượt là 15,3%, 8,9% và 7,8%.

Trong 4 tháng đầu năm 2020 giá trị xuất khẩu cà phê tăng mạnh tại các thị trường: Ba Lan (tăng 78,2%, đạt 17 triệu USD), Đức (tăng 26,5%, đạt 176,1 triệu USD) và Bỉ (tăng 24,9%, đạt 58,3 triệu USD). Ngược lại giá trị xuất khẩu cà phê giảm mạnh nhất tại thị trường Anh (giảm 28,1%, đạt 23,1 triệu USD) và Pháp (giảm 19,5%, đạt 17,4 triệu USD). Giá cà phê xuất khẩu bình quân 4 tháng đầu năm 2020 đạt 1.682 USD/tấn, giảm 2,6% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong tháng 5/2020, giá cà phê thế giới biến động trái chiều. So với tháng trước, giá cà phê Robusta giao tháng 7/2020 thị trường London tăng 3 USD/tấn lên 1.189 USD/tấn. Giá cà phê tăng do nguồn cung cà phê Robusta có dấu hiệu khó khăn ở các nước sản xuất chính khi người trồng cà phê thể hiện sự kháng giá. Bên cạnh đó, sức mua hàng hóa gia tăng sau giãn cách xã hội cũng là yếu tố khiến giá cà phê gia tăng trong tháng. Ngược lại với đà tăng của cà phê Robusta, giá cà phê Arabica tiếp tục sụt giảm nhiều phiên liên tiếp. Giá giao tháng 7/2020 đã giảm thêm 25 USD/tấn xuống còn 2.299 USD/tấn. Nguyên nhân là do sức ép bán hàng vụ mới gia tăng tại sàn Arabica. Brazil, nước sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới, hiện đang đối mặt với áp lực dư cung lớn do vào năm “được” của chu kỳ “2 năm 1”. Đồng thời, giá trị đồng nội tệ Brazil vẫn tiếp tục giảm mạnh so với đồng USD của Mỹ. Mức sâu kỷ lục được ghi nhận trong tháng 5, là yếu tố đáng lo ngại của thị trường cà phê. Trong nửa cuối tháng 5, đồng Real đã mạnh dần so với đồng USD, tuy nhiên, sự gia tăng là chưa đủ để kéo giá cà phê Arabica ra khỏi tình trạng trì trệ kéo dài.

Tại thị trường thế giới, theo Intracent, nhu cầu nhập khẩu cà phê của Mỹ trong 3 tháng đầu năm 2020 đạt 379,6 nghìn tấn, tương đương 1,39 tỷ USD. Trong đó, Việt Nam là thị trường cung cấp cà phê đứng thứ 3 cho thị trường Mỹ, sau Brazil và Colombia. Thị phần cà phê của một số nguồn cung cho Mỹ như Colombia, Guatemala, Mexico, Peru, Đức, Uganda… giảm so với cùng kỳ 2019.

Thị trường cà phê trong nước biến động cùng xu hướng thị trường thế giới và bắt đầu phục hồi trên diện rộng trong nửa cuối tháng 5/2020. So với tháng 4, giá cà phê vối nhân xô các tỉnh Tây Nguyên tăng 700 – 900 đồng/kg lên mức 30.700 – 31.200 đồng/kg, giá cao nhất tại khu vực tỉnh Đắk Lắk và thấp nhất tại khu vực tỉnh Lâm Đồng. Tại cảng TP. HCM, giá cà phê giao cũng đã tăng lên ngưỡng 33.000 đồng/kg. Người trồng cà phê Việt Nam đang hứng chịu nhiều yếu tố cực đoan từ thời tiết, hạn hán trong những tháng đầu năm, về lâu dài sẽ khiến cây suy kiệt, giảm năng suất. Do đó trong thời gian tới, cùng với xu hướng của thị trường thế giới, giá cà phê trong nước thời gian tới sẽ tiếp tục đà tăng ổn định.

BBT (gt)