Được biết, cá cảnh là một trong những chương trình trọng điểm của ngành nông nghiệp thành phố ưu tiên phát triển và là đối tượng giúp cho người dân tạo ra giá trị và thu nhập cao gấp nhiều lần so với nông nghiệp truyền thống trên cùng một đơn vị diện tích. Thời gian qua, TP. Hồ Chí Minh đã có nhiều chủ trương, chính sách phát triển như vốn vay ưu đãi, quy hoạch khu làng nghề sinh vật cảnh quy mô 500 ha dọc theo sông Sài Gòn ở huyện Củ Chi… Hiện tổng diện tích sản xuất, nuôi cá cảnh trên toàn thành phố hiện đạt khoảng 88 ha với hơn 290 cơ sở/hộ nuôi, tập trung ở một số quận huyện ngoại thành như Bình Chánh, Củ Chi,  Hóc Môn, Thủ Đức, quận 9… với 3 hình thức nuôi: hồ kính (24.000 - 30.000 hồ/4ha), hồ xi măng (13.000 - 15.000 hồ/24 ha) và ao đất (400 - 450 ao/60ha). Tổng sản lượng cá cảnh đạt 155 triệu con (tăng 14,8% so năm 2016); quý 1 năm 2018 đạt 46,5 triệu con, tăng 5,7% so với cùng kỳ. Tổng sản lượng cá cảnh xuất khẩu đạt khoảng 18,2 triệu con, giá trị kim ngạch đạt 20 triệu USD với hơn 60 chủng loại, chủ yếu là cá đĩa, chép nhật, Koi, bảy màu, la hán, chép Nam Dương, Neon, ông tiên, tứ vân, xiêm,… Có 20 đơn vị tổ chức, cá nhân xuất khẩu, trong đó Công ty Cổ phần Sài Gòn Cá kiểng là đơn vị xuất khẩu cao nhất, chiếm tỷ lệ 85%; Việt Nam đang đứng thứ 17 trong số những quốc gia xuất khẩu cá cảnh hàng đầu trên thế giới với hơn 50 quốc gia. Trong đó, thị trường cá cảnh TPHCM chiếm đến 50% tổng kim ngạch xuất khẩu cá cảnh của cả nước.

Toàn cảnh hội thảo

Kết quả như trên là đáng khích lệ, tuy nhiên các đại biểu cũng cho rằng sự phát triển này chưa tương xứng với tiềm năng và đang gặp nhiều khó khăn vướng mắc như quy mô sản xuất nhỏ lẻ, hầu hết các trại nuôi cá cảnh chưa quan tâm đúng mức và phù hợp với về cơ sở hạ tầng. Thực hành sản xuất cá cảnh mang tính truyền thống, quy trình sản xuất chủ yếu dựa theo kinh nghiệm mà không tuân theo quy trình chuẩn nên vấn đề vệ sinh, tiêu độc khử trùng, đảm bảo an toàn dịch bệnh chưa được quan tâm; Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật như: quy trình chọn giống, sản xuất giống, lai tạo giống mới và xây dựng quy trình dinh dưỡng phù hợp với từng loài nuôi để nâng cao chất lượng cá cảnh còn hạn chế; Chưa đạt được sản phẩm cá cảnh nổi trội trên thị trường. Chưa liên kết chặt chẽ vai trò của các Hội; Số lượng tổ hợp tác và hợp tác xã ít và chưa hoạt động hiệu quả; Thị trường tiêu thụ chủ yếu của cá cảnh thành phố vẫn là nội địa; Nhiều cơ sở, doanh nghiệp cho rằng các chính sách của nhà nước chưa thực sự quan tâm đến lĩnh vực này, đặc biệt là việc tổ chức từ khâu sản xuất đến khâu thu mua, xuất khẩu, xây dựng thương hiệu còn hạn chế. Mặc dù, thành phố có nhiều tiềm năng nhưng hiện nay trên địa bàn chỉ có 2 chợ Lưu Xuân Tín và Nguyễn Thông kinh doanh mặt hàng cá cảnh với diện tích khá chật hẹp. Trong khi ở các nước khác có hẳn khu chợ sinh vật cảnh với quy mô hàng hecta, trở thành địa điểm thu hút khách du lịch mang đến nhiều giá trị gia tăng cho ngành hàng.

PGS. TS Vũ Cẩm Lương – Khoa Thủy sản Trường ĐH Nông lâm TP cũng cho biết: Ngành cá cảnh TPHCM có nhiều lợi thế để mở rộng thị trường nhưng một trong những trở ngại trong sản xuất cá cảnh hiện nay trên địa bàn thành phố là các cơ sở thiếu vốn để đầu tư mở rộng. Chính vì lý do thiếu vốn nên đa phần các cơ sở sản xuất cá cảnh trên địa bàn thành phố không thể xây dựng thương hiệu, tiếp thị hay xây dựng hệ thống phân phối, dịch vụ hậu mãi mà phụ thuộc vào thương lái; Để đẩy mạnh xuất khẩu các cơ sở cần quan tâm nhiều hơn đến việc đầu tư những giống cá đẹp, mới lạ. Nhưng phát triển giống mới lại đối mặt với những khó khăn do quá trình nhập khẩu con giống; Các mặt hàng phục vụ cho người chơi cá cảnh như bể kiếng (kính), máy thổi khí, đá bọt khí, cây cảnh giả, thuốc thủy sản, thức ăn tổng hợp cho cá cảnh lại chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc. Dù đây là lĩnh vực mang lại doanh thu và lợi nhuận cao nhưng sản xuất xuất và cung cấp các loại dịch vụ của thành phố vẫn còn hạn chế.

Để nghề nuôi cá cảnh trên địa bàn thành phố phát triển, đáp ứng nhu cầu mở rộng thị trường trong nước và xuất nhập khẩu, Hội thảo cũng đề xuất các giải pháp về quản lý nhà nước như quy hoạch vùng nuôi tập trung đảm bảo diện tích lớn phù hợp với nhu cầu thị trường, từ đó giúp người nuôi cá cảnh có thể kiểm soát được dịch bệnh tốt hơn đáp ứng được các điều kiện nhập khẩu của thị trường; Cơ quan quản lý Nhà nước cũng cần phổ biến rộng rãi và tạo điều kiện trong các chính sách (giấy phép nhập khẩu, thuế suất, sửa đổi các danh mục nhập khẩu cá cảnh phù hợp) để khuyến khích và phát triển nghề nuôi cá cảnh, đặc biệt đối với những loại cá bản địa có giá trị kinh tế cao và đang có nguy cơ tuyệt chủng; Các hộ nông dân, đơn vị sản xuất cũng cần đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ cao trong nghề nuôi cá cảnh. Theo ông Phạm Lâm Chính Văn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông TP: "Nếu không có liên kết nâng chuỗi giá trị thì khó có thể phát huy tất cả các tiềm lực và thế mạnh TPHCM. Có thể nói, TPHCM là nơi hội tụ đầy đủ các điều kiện cần thiết cho việc phát triển ngành cá cảnh truyền thống thành một ngành sản xuất công nghiệp và cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực như Singapore, Malaysia...".  

Ông Tân Xuyên – chủ cửa hàng cá cảnh Tân Xuyên cũng cho biết: “Để liên kết chuỗi được hay không cần có chợ cá cảnh quy mô lớn, đủ tầm. Để phát triển cá cảnh, bên cạnh việc quy hoạch, tổ chức sản xuất, thì con giống có vai trò quan trọng. Cần nhập khẩu con giống và cả quy trình nuôi những loài cá mà Việt Nam chưa có, hoặc cá chưa thể sinh sản”.

Ngoài ra, các trại cần liên kết tạo thành các câu lạc bộ, hội cá cảnh để chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi, nghiên cứu, tìm hiểu nhu cầu thị trường cũng như tìm đầu ra ổn định và tạo một sân chơi tốt hơn cho thị trường cá cảnh trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, cần quan tâm đến hoạt động quảng bá thương hiệu, thường xuyên tổ chức các hội chợ triển lãm cá cảnh giới thiệu đến khách tham quan các giống cá cảnh mới để những người quan tâm, yêu thích cá cảnh có nhiều cơ hội tiếp cận với thú chơi cá cảnh hơn. Đặc biệt, “cần xây dựng trang web riêng cho cá cảnh bởi đây là cầu nối giữa người sản xuất và tiêu thụ. Trang web này phải thống kê được tất cả các hộ sản xuất, kinh doanh trên địa bàn TP, thu thập hết tất cả thông tin liên quan, các nghiên cứu, đào tạo cá cảnh…” - PGS.TS. Vũ Cẩm Lương nói.

Trước những vấn đề được các đại biểu đặt ra, ông Phạm Lâm Chính Văn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông TP tiếp thu và khẳng định: ngành nông nghiệp TP sẽ có lễ công bố về các sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp, trong đó có đối tượng cá cảnh. Ông cũng bày tỏ mong muốn lãnh đạo ngành sẽ có chỉ đạo và những chính sách mạnh mẽ hơn nhằm hỗ trợ cho bà con nông dân, doanh nghiệp ngày càng phát triển.

Vân Tâm