Theo đó, 25 hộ nông dân của Tổ hợp tác cam sành Thông Hòa ở ấp Rạch Nghệ, xã Thông Hòa sản xuất trên diện tích 15 ha, sản lượng khoảng 375 tấn trái/năm và 19 hộ nông dân của Tổ hợp tác cam sành Hòa Ân, xã Hòa Ân sản xuất trên tổng diện tích 15 ha, sản lượng khoảng 375 tấn trái/năm được chứng nhận sản xuất cam sành đạt chuẩn VietGAP. 

Đây là sản phẩm trái cây đạt chuẩn VietGAP thứ 4 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh. Trước đó, 3 sản phẩm trái cây của tỉnh được công nhận sản xuất đạt chuẩn VietGAP là măng cụt của Hợp tác xã măng cụt Tân Thành, xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè; quýt đường của Hợp tác xã quýt đường Thuận Phú, xã Bình Phú, huyện Càng Long và thanh long ruột đỏ của Hợp tác xã thanh long ruột đỏ Đức Mỹ, huyện Càng Long. 

Việc sản xuất đạt chuẩn VietGAP sẽ giúp cho các loại trái cây này nâng cao giá trị, mở rộng thị trường tiêu thụ, đảm bảo đầu ra luôn ổn định và tăng thu nhập cho nông dân. 

Tỉnh Trà Vinh trồng hơn 1.700 ha cam sành, tập trung ở huyện Cầu Kè và Càng Long cho tổng sản lượng hơn 30.000 tấn trái/năm./. 

Theo TTXVN